Chúng tôi có dịp cùng với lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp đến thăm trang trại của gia đình anh Trịnh Văn Đàm, ở thôn 12, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp. Không khỏi ngỡ ngàng cũng như khâm phục ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu của anh. Rời quê hương về vùng đất Đông Sơn nghèo khó này lập nghiệp từ những năm 1993, từng trải qua những ngày tháng gian khó, nên khi có được đồng vốn để đầu tư sản xuất, anh Đàm rất trân trọng và cân nhắc kỹ lưỡng để làm sao sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi của ngân hàng. Anh Đàm cho biết: "Những năm trước đây gia đình tôi lấy con dê làm trọng tâm để phát triển kinh tế. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại với đất đai rộng rãi nếu không mở rộng chăn nuôi thì lãng phí quá, năm 2013, gia đình được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng để đầu tư nuôi thêm con hươu. Đây là một đối tượng tương đối dễ nuôi, thức ăn chủ yếu tận dụng cây cỏ quanh nhà, có thể thu cả nhung lẫn thịt nên giá trị kinh tế khá cao".
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tích góp mở rộng dần dần, hiện gia đình anh Đàm đang sở hữu một trang trại tổng hợp với diện tích trên 30 ha, trong đó có 4 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, diện tích còn lại anh trồng cây sưa đỏ và chăn thả hơn 200 con dê, hươu. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình khoảng 250-300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại của anh Đàm còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động, bình quân thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Còn tại thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, gia đình ông Phạm Khắc Nhu cũng mới được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH thành phố. Ông Nhu cho biết: Làm trang trại từ năm 2007, với kinh nghiệm và tiềm năng đất đai sẵn có đã thôi thúc ông mở rộng quy mô sản xuất để tăng nguồn thu nhập hơn nữa. Đồng vốn ưu đãi của NHCSXH thực sự rất có ý nghĩa bởi lãi suất thấp và thời gian vay tương đối dài nên rất phù hợp với những người sản xuất nông nghiệp như ông. Hiện tại, ông đang sử dụng nguồn vốn này để mở rộng đàn lợn nái cũng như thử nghiệm nuôi vịt trời.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất, thành phố Tam Điệp đã và đang có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện về quỹ đất, chuyển giao tiến bộ KHKT để người dân địa phương phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Hiện, toàn thị xã có 33 trang trại đạt theo tiêu chí, trong đó có 12 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại nuôi trồng thủy sản và 19 trang trại tổng hợp. Các trang trại, gia trại trên địa bàn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, qua đó từng bước tăng số hộ giàu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn. Để có được sự thay đổi mang tính đột phá đó, ngoài sự cố gắng vượt khó vươn lên của người nông dân, người lao động thì phải nhắc đến vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các hội và đặc biệt là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Theo NHCSXH thành phố Tam Điệp, tính đến hết tháng 5-2015, dư nợ cho vay giải quyết việc làm tại thành phố là 6,279 tỷ đồng, với 298 khách hàng đang vay vốn, tạo việc làm mới cho trên 300 lao động.
Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Tam Điệp cho biết: Để nguồn vốn đến được với người lao động, Phòng giao dịch đã phối kết hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác trên địa bàn, tổ chức tập huấn cho cán bộ hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, phổ biến quy trình, thủ tục, điều kiện vay vốn giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, điều tra, đánh giá chính xác các đối tượng hộ nghèo, đối tượng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn công khai, rộng rãi, giúp người vay tự lập dự án cho vay vốn và kịp thời giải ngân, hạn chế tình trạng ứ đọng vốn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả; làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn vay để tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm.
Bài, ảnh: Hà Phương