Ngày mùng 8 hàng tháng, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và các hộ dân được vay vốn NHCSXH tại xã Yên Phong, huyện Yên Mô lại có mặt đầy đủ tại điểm giao dịch xã để nộp tiền lãi, gốc, gửi tiết kiệm… cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Hầu hết các hộ nghèo và đối tượng chính sách đều hài lòng và khẳng định hoạt động của điểm giao dịch rất hiệu quả. Chị Vũ Thị Nhung là hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi chương trình học sinh, sinh viên cho biết: Hoạt động của điểm giao dịch tại xã giúp người dân chúng tôi hiểu rõ về các quy định, các chương trình, chính sách mới của NHCSXH.
Ngày hoạt động được quy định cụ thể, kể cả thứ bảy hay chủ nhật nên chúng tôi luôn chủ động, thu xếp công việc, chuẩn bị đầy đủ tiền lãi, gốc để nộp cho ngân hàng kịp thời. Khi giao dịch tại xã, những người dân ở xa phòng giao dịch huyện đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí trong quá trình đi lại.
Hơn nữa, qua các buổi giao dịch, NHCSXH và Ban xóa đói, giảm nghèo địa phương đã thăm hỏi, động viên và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn và sử dụng vốn.
Bà Phạm Thị Tuyết, Tổ trưởng tổ TK&VV thôn Nam Thành, xã Yên Phong chia sẻ: Hiện nay tổ TK&VV thôn Nam Thành có dư nợ trên 1,6 tỷ đồng với 53 hộ được vay vốn 6 chương trình, gồm: Hộ nghèo, học sinh, sinh viên, cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm.
Để Tổ TK&VV hoạt động hiệu quả, hàng tháng, tất cả các khâu từ thu nợ, lãi, tiền gửi tiết kiệm đều được thực hiện kịp thời.
Xã Yên Phong khá xa với trung tâm huyện vì thế việc đi lại của các tổ gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi điểm giao dịch xã đi vào hoạt động, có thời gian làm việc cụ thể, đã tạo thuận lợi rất nhiều cho Ban quản lý Tổ.
Ngoài việc tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, ngay tại buổi giao dịch, các tổ trưởng còn được cán bộ tín dụng hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, cũng như phổ biến nhiều chủ trương, chính sách mới.
Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh: Hiện Ninh Bình có 145 điểm giao dịch tại xã với 2.655 tổ TK&VV. Các điểm giao dịch xã thường xuyên được kiểm tra, rà soát các điều kiện làm việc để bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện theo quy định.
Do vậy 100% điểm giao dịch xã được trang bị đầy đủ các bảng biểu, thông báo chính sách tín dụng ưu đãi, công khai dư nợ, hòm thư góp ý, biển chỉ dẫn… theo văn bản số 926/NHCS-TDNN của Tổng Giám đốc NHCSXH.
Hoạt động tổ giao dịch lưu động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng lịch trực và thời gian quy định, chấp hành tuyệt đối việc bảo đảm an toàn về người và tài sản trong toàn bộ quá trình giao dịch tại xã.
Trong trường hợp ngày giao dịch trùng vào các ngày Tết Nguyên đán sẽ được các Phòng giao dịch bố trí trực bù ngay trong tháng.
Đến nay, hoạt động của các tổ giao dịch lưu động đã đi vào nề nếp, hiệu quả, 100% các buổi giao dịch xã đều được ghi hình và tổ chức họp giao ban để triển khai nhiệm vụ tại cơ sở, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc vay vốn, trả nợ Ngân hàng.
Bên cạnh đó, điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giảm nghèo xã, các tổ chức nhận ủy thác và NHCSXH được thường xuyên tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, từ đó có những giải pháp để người dân nhanh chóng được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV và các điểm giao dịch cố định tại xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cho người dân.
Đồng thời, NHCSXH tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng các cấp, các ngành và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Giáng Hương