Theo Sở Công thương, thông qua cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", người tiêu dùng trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của hàng hóa mang thương hiệu Việt và tác động tích cực đến thói quen mua sắm hàng Việt của người dân; giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, nâng cao sức cạnh tranh, tạo lập hệ thống phân phối hàng Việt ở các địa phương. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững và người tiêu dùng chưa phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng với hàng hóa trôi nổi trên thị trường.
Việc xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Yên Khánh và thành phố Tam Điệp với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" là mô hình thí điểm của tỉnh nhằm phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện cho người dân các địa phương được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng có chất lượng cao sản xuất trong nước. Từ mô hình thí điểm sẽ rút kinh nghiệm để triển khai trong thời gian tới, hướng tới thực hiện trên địa bàn các huyện khác trong tỉnh.
Ghi nhận bước đầu việc kinh doanh bán hàng gắn với biển hiệu "Tự hào hàng Việt Nam", chị Nguyễn Thị Thúy, quản lý cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm gạo sạch AIQ tại địa chỉ Đường 10, xã Khánh An, huyện Yên Khánh cho biết: Từ khi cửa hàng được gắn biển hiệu "Điểm bán hàng Việt", khách hàng đã tăng từ 20-30%.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trực quan, người tiêu dùng đã biết đến sản phẩm gạo sạch AIQ của Ninh Bình nhiều hơn. Điều này đem lại lợi ích thiết thực cho cửa hàng, số lượng khách tăng hơn đồng nghĩa với doanh thu cao hơn so với trước đây.
Hiện cửa hàng gạo sạch AIQ có rất nhiều sản phẩm gạo như: Jabonica, gạo tám thơm, gạo thơm AIQ, gạo huyết rồng, nếp cái hoa vàng, nếp Tràng An, thảo dược... Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mong muốn đưa sản phẩm đến với thị trường trong nước, năm 2016, Công ty cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình đã mở rộng được hơn 100 điểm bán và giới thiệu sản phẩm trên toàn miền Bắc. Trung bình mỗi điểm có thể tiêu thụ được 3-4 tạ/ngày. Đây là tín hiệu vui cho ngành lúa gạo Ninh Bình.
Để đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ khách hàng, cũng như uy tín của cửa hàng, trong nhiều năm nay, sản phẩm gạo của Công ty luôn được sản xuất sạch với tiêu chuẩn VietGAP có giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Việc tham gia hưởng ứng xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam" được coi như một quy chuẩn mới không chỉ làm tăng uy tín của hệ thống giới thiệu và bán hàng gạo AIQ mà giúp khách hàng yên tâm khi lựa chọn các sản phẩm tại Điểm bán hàng- chị Nguyễn Thị Thúy, quản lý cửa hàng gạo AIQ cũng chia sẻ.
Theo thông tin từ Sở Công thương, thời gian qua, Sở đã có các thông tin kết nối đến một số nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước với mong muốn là cầu nối tiếp tục đưa các sản phẩm thương hiệu Việt đến với các điểm bán hàng Việt Nam, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân.
Để duy trì mô hình này, Sở Công thương yêu cầu các điểm bán hàng phải thực hiện tốt khâu cung cấp hàng hóa, tìm nguồn hàng chất lượng, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng…
Sở sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị kinh doanh. Trong thời gian tới, Sở sẽ đề xuất với Bộ Công thương tạo điều kiện hỗ trợ để tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh, đồng thời vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mua bán hàng Việt với nguồn vốn của doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm