Chị Phạm Thị Thủy, nhân viên y tế học đường, trường Tiểu học Ninh Hải (Hoa Lư) cho biết: Được nhà trường tạo điều kiện trang bị phòng Y tế khang trang, rộng rãi với đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ thiết yếu, như: Giường bệnh, ghế ngồi, tủ thuốc, tài liệu tuyên truyền, dụng cụ y tế, sổ theo dõi khám sức khỏe, chữa bệnh của học sinh, tranh ảnh tuyên truyền, phác đồ cấp cứu, đảm bảo cho công tác sơ cấp cứu ban đầu và vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên....
Hàng năm, theo sự chỉ đạo và phối hợp giữa ngành Giáo dục và Y tế, nhân viên y tế trường học phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn học sinh phòng tránh các bệnh học đường hay mắc, các loại bệnh dịch truyền nhiễm theo mùa; phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tư vấn về thị lực, các bệnh về khúc xạ học đường, răng miệng... Hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho học sinh được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, với 100% học sinh được khám sức khỏe ban đầu, qua đó phát hiện, tỷ lệ học sinh mắc các bệnh về răng, mắt chiếm 30-40%; nhiều năm nhà trường không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm; 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế...
"Học sinh tiểu học là lứa tuổi hiếu động, thích tìm hiểu, khám phá, nên dễ xảy ra các tai nạn thương tích trong quá trình vui chơi, chạy nhảy và mắc các bệnh thông thường cũng như bệnh học đường. Để nâng cao sức khỏe và sự an toàn cho học sinh, nhân viên y tế nhà trường xây dựng kế hoạch, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm từng lớp lồng ghép việc tuyên truyền cách phòng, chống một số bệnh thông thường vào buổi sinh hoạt lớp hàng tuần, giáo dục các em ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, giữ vệ sinh môi trường xung quanh; đồng thời theo dõi, giám sát, nhắc nhở các em phòng tránh, hạn chế thấp nhất tai nạn thương tích trong nhà trường. Cùng với đó, tuyên truyền học sinh không mua bán, ăn uống những loại thực phẩm bầy bán tại cổng trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phòng tránh ngộ độc thực phẩm.... nâng cao nhận thức của học sinh về công tác chăm sóc sức khỏe bản thân, đảm bảo tốt việc học tập...." - cô Phạm Thị Thủy cho biết thêm.
Theo cô giáo Đinh Thị Bích Huệ, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoa Lư, Y tế học đường là việc tổ chức sơ cấp cứu ban đầu, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong trường học... Để làm tốt công tác này, các trường học trên địa bàn huyện Hoa Lư đã quan tâm, đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho phòng y tế học đường. Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoa Lư phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trường học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú.
Bên cạnh đó, ngành cũng tích cực triển khai phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao tinh thần, thể lực cho các em. Hiện, 100% các trường học trên địa bàn huyện Hoa Lư có phòng y tế riêng, chất lượng hoạt động công tác y tế học đường ngày càng được nâng lên. Hàng năm hướng dẫn tuyên truyền, phát hiện sớm, chuyển tuyến điều trị kịp thời và dự phòng hiệu quả các bệnh thường gặp, bệnh dịch mới nổi, bệnh truyền nhiễm theo mùa, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh tại các cơ sở giáo dục.
Xác định y tế học đường có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn cụ thể việc thực hiện công tác y tế học đường đối với Phòng Giáo dục các huyện, thành phố và tiến hành triển khai đến các trường. Tổ chức ký kết Kế hoạch liên ngành về hoạt động y tế học đường giữa ngành Giáo dục và Y tế; phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất y tế cho các nhà trường. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế để tuyển dụng hoặc ký hợp đồng với nhân viên làm công tác y tế trường học, đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho học sinh vào mỗi năm học...
Tuy nhiên, công tác y tế học đường vẫn còn gặp một số khó khăn, như nhiều đơn vị trường học chưa có cán bộ chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn chưa đảm bảo; nhiều trường học không có phòng y tế theo đúng quy định; các tủ thuốc được trang bị nhưng số lượng chưa đủ theo danh mục thuốc thiết yếu dùng trong phòng y tế học đường; việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, khám sức khỏe ban đầu cho học sinh ở một số trường còn chưa thường xuyên....
Để công tác y tế trường học ngày càng đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả hơn, Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh về lợi ích của bảo hiểm y tế, kêu gọi học sinh tham gia với tỷ lệ cao nhất, tạo nguồn kinh phí cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học. Đồng thời, tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh... Tạo điều kiện để cán bộ y tế trường học được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Bên cạnh đó, các nhà trường cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác y tế học đường; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế học sinh... Có như vậy, công tác y tế trường học mới thực sự hiệu quả, giúp học sinh được học tập trong môi trường an toàn, được chăm sóc sức khỏe và phát triển toàn diện.
Bài, ảnh: Hạnh Chi