Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lưu Danh Cung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh.
Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết, nguyên nhân việc Quốc hội tiến hành sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số?
Đồng chí Lưu Danh Cung: Pháp lệnh Dân số năm 2003 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 9-1-2003 và có hiệu lực kể từ ngày 1-5-2003. Pháp lệnh Dân số năm 2003 là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực dân số. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã có một số hạn chế, đó là: Trong Điều 10 có nêu: "1. Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền:
a) Quyết định thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng".
Chính vì vậy đã dẫn đến việc người dân hiểu là Nhà nước không còn hạn chế quy mô gia đình ở mức 1 hoặc 2 con, và các cặp vợ chồng, cá nhân được tự do quyết định số con của mình, có trường hợp biết nhưng lại cố tình hiểu lầm, do đó mấy năm gần đây tình trạng sinh con thứ ba có chiều hướng gia tăng. Hơn nữa, Pháp lệnh quy định quyền quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân (tại Điều 10) lại tách rời nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xây dựng quy mô gia đình ít con (tại Điều 4), cũng đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau, chú trọng quyền mà xem nhẹ nghĩa vụ. Cũng chính bởi quy định của Điều 10 Pháp lệnh Dân số năm 2003 nên việc đưa quy mô gia đình ít con vào các quy định của ngành, đoàn thể, địa phương, hương ước, quy ước của cộng đồng gặp không ít khó khăn. Các cơ quan, đơn vị, cộng đồng nới lỏng biện pháp hành chính, e ngại xử lý đối với người sinh con thứ ba trở lên. Việc buông lỏng quản lý ở một số nơi, một số thời điểm kết hợp với việc nới lỏng các biện pháp hành chính và hạn chế trong xử lý các trường hợp công chức, viên chức, cán bộ, đảng viên là những người sinh con thứ ba trở lên đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chỉ tiêu giảm sinh hàng năm. Để khắc phục tình trạng này, từng bước đưa công tác dân số - KHHGĐ ngày càng đi vào nề nếp, tạo điều kiện cho việc thông tin, giáo dục, truyền thông rõ ràng, cụ thể, cần thiết phải có cách hiểu thống nhất về quy mô gia đình ít con. Và như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Dân số sửa đổi năm 2008, thay cho Pháp lệnh Dân số năm 2003.
P.V: Xin đồng chí cho biết nội dung cơ bản của Pháp lệnh Dân số sửa đổi?
Đồng chí Lưu Danh Cung: Ngày 27-2-2008,Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Dân số, trong đó sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số 2003, nội dung như sau:
"1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con;
2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định;
3. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản".
Như vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là luôn chủ trương tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân để thực hiện chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định để tránh tình trạng "Cho con nuôi khi sinh con một bề để sinh con thứ ba". Việc sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số cũng ghi rất rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Việc gắn chặt quyền lợi và nghĩa vụ này giúp cho công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác dân số và KHHGĐ thuận lợi hơn.
P.V: Ngành Dân số có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi Pháp lệnh Dân số tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở vùng có mức sinh cao như thế nào?
Đồng chí Lưu Danh Cung: Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế ban hành Văn bản số 212/SYT-CCDS gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, cơ quan thông tấn báo chí, UBND, Trung tâm Dân số -KHHGĐ các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của Pháp lệnh Dân số 2008, những nội dung đã được sửa đổi so với Pháp lệnh Dân số năm 2003 đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt các mục tiêu chính sách Dân số -KHHGĐ, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con để ổn định quy mô dân số.
Chi cục Dân số đã chỉ đạo Trung tâm Dân số- KHHGĐ các huyện, thành phố, thị xã, ban dân số các xã, phường tuyên truyền Pháp lệnh sửa đổi, đặc biệt tập trung tuyên truyền trong chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ đợt 1 năm 2009 để mọi người dân hiểu, tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, để công tác Dân số -KHHGĐ thực sự mang tính ổn định và bền vững.
Thanh Hà (thực hiện)