Anh đã mang cả năng lực ấy vào quân ngũ. Suốt 7 năm trên chặng đường hành quân chiến đấu (1971 -1977), tranh và thơ Phan Dư như mạch nguồn trong lành chuyển tải những ý tưởng của Đảng, thông điệp của cuộc kháng chiến chống Mỹ đến với từng con tim chiến sỹ, tiếp thêm động lực cho họ vượt lên trong chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Sau ngày rời quân ngũ, dù phải đảm trách công tác quản lý văn hóa, VHNT nhưng Phan Dư vẫn như con ong làm mật, con tằm nhả tơ, cần cù và say mê sáng tạo, tiếp tục gặt hái những thành công trên cả 2 lĩnh vực họa và thơ.
Phan Dư đã có một chặng đường hành trình gần 4 thập kỷ trên con đường sáng tạo, anh đã trải nghiệm nhiều lối vẽ, bút pháp, chất liệu nhưng tranh bột màu, sơn dầu là thành công hơn cả.
Anh làm việc cần mẫn vượt lên trên chính mình với tất cả niềm đam mê khát vọng. Anh vẽ mọi lúc, mọi nơi, khi thì ký họa bút sắt, bút chì dù đó là một dáng cây, một dáng người khi thì đi thực tế vẽ trực quan phong cảnh một góc quê, một làng chài đến một triền thung, lòng động, đền chùa.
Những tác phẩm như vậy thường có hồn có sức lay động đối với người xem. Tranh của anh có độ màu sâu lắng, chín thắm nhưng vẫn giữ được độ tương quan hài hòa, tiêu biểu là tác phẩm " Đầm Cút" , " Vườn xưa" hoặc bay lượn rung động với sắc vàng như " Ngày tháng mười" . "Tĩnh vật", "Hoa cúc "…
Anh còn dẫn dắt ta đến với bao hình ảnh thân thương trên dải đất cố đô tươi đẹp và anh hùng đó là " Cầu phao Ninh Bình", " Ngõ quê", "Ao làng" , " Buổi sáng trên sông Vân", " Đền vua Đinh", " Chùa Địch Lộng"...
Ngoài những thành công đã được khẳng định qua hàng trăm tác phẩm bột màu, những năm gần đây Phan Dư đã chuyển sang vẽ trên chất liệu sơn dầu, sơn mài cũng khá thành công. Nhiều tác phẩm đã được công bố ở tỉnh, khu vực và quốc gia, tiêu biểu như tác phẩm " Mẹ Nguyễn Thị Phúc, bà mẹ Việt Nam anh hùng"- sơn dầu 1999, " Hậu phương thời đánh mỹ"- 2000, " Cõi nhân gian" -sơn mài 2001, " Cá về" -2002… minh chứng cho sự thành công trên chất liệu sơn dầu của anh.
Với niềm đam mê và hiệu quả đạt được trong lao động sáng tạo, năm 2011 Phan Dư đã mở triển lãm mỹ thuật cá nhân lần thứ V mang tên " Về nguồn" với 45 tác phẩm mà phần lớn là chất liệu sơn dầu.
Đến với phòng tranh của anh, ta ngỡ như cả một vùng non nước Cố Đô thu nhỏ bởi hầu hết các tác phẩm được trưng bày tại đây đều là những bức tranh vẽ về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng đã được ghi nhận, vinh danh trên dải đất Cố Đô.
Với Phan Dư, mảng hội họa là chủ lực xuyên suốt cả cuộc đời sáng tạo của mình. Tuy nhiên, không nhiều người biết đến lĩnh vực đồ họa, sáng tác tranh cổ động Phan Dư cũng gặt hái được khá nhiều thành công, anh đã có hàng chục tác phẩm đoạt giải của địa phương và trung ương.
Đặc biệt tác phẩm " Mùa xuân vĩnh viễn" đã đoạt giải nhất tại triển lãm tranh cổ động toàn quốc kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2005) và 30 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2005)…
Nhiều tác phẩm của anh đã được lưu giữ ở các bảo tàng, như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng Lịch sử - Quân sự Việt Nam, bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Nói đến Phan Dư người ta nhớ đến: "Cầu phao Ninh Bình" - năm 1974, "Chùa Địch Lộng"- năm 1995 (bột màu) hay "Mẹ Nguyễn Thị Phúc bà mẹ Việt Nam Anh hùng" - năm 1999, "Chặng dừng chân"- năm 2004, "Chiều về"- năm 2006, "Góc khuất" - năm 2008 (sơn dầu) Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và 2 lần đoạt giải tặng thưởng của Hội mỹ thuật Việt Nam.
Với Phan Dư trong họa có thơ, trong thơ có họa. Tranh của Phan Dư lấp lánh những sắc màu hình ảnh, ngôn từ vốn đã mang chất thơ, đã thăng hoa qua từng tác phẩm. Trong 5 lần triển lãm, với hàng trăm tác phẩm đã lưu giữ trong lòng người xem những ấn tượng khó phai.
Đứng ở góc độ này, ta thấy nét mềm mại của thi ca, ở góc độ kia lấp lánh những gam màu, ẩn chứa những ý tưởng, vượt lên những nội hàm, và sự phô diễn của ngôn ngữ hội họa.
Phan Dư đến với thơ khá sớm anh đã có hàng trăm bài đăng trên những tạp chí, ấn phẩm của Trung ương, của địa phương, trong đó có nhiều ấn phẩm có uy tín thuộc chuyên ngành văn học như: Văn nghệ, văn nghệ trẻ, diễn đàn văn nghệ Việt Nam, tuyển tập thơ " Ngàn năm thương nhớ", " Nước non một giải"- nhà xuất bản Hội nhà văn…
Năm 2000, Phan Dư cho ra mắt đọc giả tập thơ " Khúc giao mùa"- nhà xuất bản Thanh Niên; năm 2005 Phan Dư lại có tập thơ thứ 2 ra mắt đọc giả với tựa đề " Cỏ hát" -nhà xuất bản Hội nhà văn.
Thơ Phan Dư dung dị, chân chất, luôn ẩn chứa những nỗi niềm với quê hương đất nước, buồn vui với bao con người, bao số phận. Trong thơ anh có cả những triết lý nhân sinh, những sẻ chia đến tận cùng gan ruột và cả những câu thơ tài hoa ánh lên như những giọt sương và sức lan tỏa còn mãi với thời gian.
Đọc thơ anh cứ ngỡ như lạc vào chốn hư không, vừa thực vừa mộng, lãng đãng như khói như sương: " Sương buông êm đến quá chừng/Hương đêm lặng rối, ngập ngừng lối sen/ Giá mà con mắt đừng đen/ Thì đâu còn vạt nắng nhen tím chiều).
Anh thả hồn mình trong chiều xứ Huế với hình ảnh thật lạ, bởi có sự đột phá về cả ngôn ngữ và hình tượng : "Ôi tà áo, tà áo dài xứ Huế/Tím cả chờ mong, tím cả chiều/Nón trắng như mây về trú ngụ/Chợt ta lạc cõi phiêu diêu".
Với Phan Dư, hội họa nói cho thơ, thơ gửi hồn vào họa, dẫn dắt ta về với cội nguồn, với bao suy ngẫm buồn vui theo từng góc cạnh của cuộc sống. Mê mải Phan Dư một đời họa và thơ, anh đã "Một mình làm cả cuộc tình/Lá xanh tự rút ruột mình mà xanh".
Với những nỗ lực và cống hiến hết mình cho lao động sáng tạo nghệ thuật, anh đã 4 lần đạt giải cao giải thưởng văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu và nhiều giải thưởng khác, được trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHNT, kỷ niệm chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam, kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa-thông tin.
Tại Đại hội IV, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ (2009-2014), anh đã vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học- nghệ thuật.
Lê-Liêu