Những lời thiêng liêng của Người trong Di chúc luôn được các thế hệ đoàn viên, thanh niên trong cả nước nói chung và thanh niên Ninh Bình nói riêng cố gắng xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Bác vào thế hệ trẻ. Nhân dịp Quốc khánh 2-9, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đoàn Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn về vấn đề này.
Phóng viên (P.V): Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện Di chúc của Người như thế nào nhằm xây dựng thế hệ thanh niên vừa "hồng" vừa "chuyên"?
Đồng chí Đoàn Thanh Hải (Đ/c Đ.T.H): Thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước hiện nay đặt ra cho thanh niên nhiều cơ hội và cũng rất nhiều thách thức để có thể xứng đáng với vai trò là những chủ nhân tương lai của đất nước. Để thực hiện Di chúc của Người, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định phải chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thông qua các phong trào hành động cách mạng của Đoàn; tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống, giao lưu với các nhân chứng lịch sử để thế hệ trẻ hiểu, nhận thức sâu sắc về truyền thống quê hương, đất nước; phát hiện, tuyên dương, nhân rộng các điển hình thanh niên tiên tiến. Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thường xuyên cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ, hình thành một lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực. Các phong trào "Học tập vì ngày mai lập nghiệp", phong trào "4 mới", phong trào "4 đồng hành với thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp" và "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội" đã trở thành động lực để mỗi thanh niên có ý thức vươn lên khẳng định mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
P.V: Tuy rất chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên nhưng thực tế vẫn còn một bộ phận thanh niên có biểu hiện sống thiếu lý tưởng, hoài bão. Nhận định của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Đ/c Đ.T.H: Đại đa số thanh niên Ninh Bình là những người có đạo đức, có nhân cách, có tri thức, tư duy năng động, hành động sáng tạo, nối tiếp truyền thống hào hùng của dân tộc, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, tích cực học tập, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng một bộ phận thanh niên suy giảm niềm tin, thiếu lý tưởng, hoài bão, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, dễ bị kích động, lôi kéo, tham gia vào các hoạt động trái pháp luật, 1 bộ phận có biểu hiện sống buông thả, sống thực dụng, tính độc lập, chủ động sáng tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, Hội, Đội chậm đổi mới, chậm thích ứng với sự biến động nhanh của tình hình thanh niên; năng lực của cán bộ Đoàn các cấp có nơi còn nhiều hạn chế, bất cập; cơ sở vật chất, nguồn lực cho công tác thanh niên còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh niên… Để khắc phục tình trạng này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đề ra nhiều giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng đến việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Tuổi trẻ Ninh Bình học tập và làm theo lời Bác".
Thanh niên tham gia làm vệ sinh môi trường.
P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả cụ thể qua hơn 1 năm thực hiện cuộc vận động?
Đ/c Đ.T.H: Có thể nói, cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đoàn viên trong toàn tỉnh, dấy lên những phong trào thi đua làm theo lời Bác. Đã có hàng trăm công trình thanh niên, hàng nghìn phần việc thanh niên, công trình măng non được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng ở các cơ sở Đoàn, Hội, Đội trong toàn tỉnh, mà nổi bật là chiến dịch "Thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện hè 2008". Thanh niên tình nguyện đã xung kích đi đầu trong những việc mới, việc khó, tập trung các hoạt động tình nguyện vào các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy. Các cấp bộ Đoàn, Hội đã vận động kinh phí mua 30 con bò sinh sản, xây dựng 3 nhà văn hóa thôn tại 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn; mở 18 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức gần 4.000 ngày công làm công trình thanh niên, sửa chữa 19 km đường giao thông liên thôn, liên xã, tham gia ôn tập văn hóa hè cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và nhiều hoạt động thiết thực khác. Những hoạt động này góp phần đưa cuộc vận động phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên, thanh niên.
P.V: Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết T.Ư7 (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH". Xin đồng chí cho biết BTV Tỉnh đoàn đã có những định hướng cụ thể như thế nào để đưa Nghị quyết trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống?
Đ/c Đ.T.H: Nghị quyết T.Ư7 ra đời trong thời gian này là rất thiết thực và kịp thời, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Nghị quyết đã chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để phát huy được sức mạnh, tiềm năng của thanh niên trong công cuộc xây dựng đất nước. Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã đón nhận Nghị quyết một cách hào hứng, phấn khởi, với quyết tâm, đưa Nghị quyết trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngoài sự nỗ lực của các cấp bộ Đoàn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Quỳnh Thu
(Thực hiện)