Phóng viên (P.V): Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 23/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS - KHHGĐ. Xin đồng chí cho biết những điểm mới của Chỉ thị?
Đồng chí Lưu Danh Cung: Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định kết quả công tác dân số đạt được trong thời gian qua, đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 47-NQ/T.Ư ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS - KHHGĐ, nhận thức của toàn xã hội đã có bước chuyển biến rõ rệt, quy mô gia đình có 1 hoặc 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế.
Bên cạnh những kết quả trên, công tác DS - KHHGĐ còn nhiều bất cập: Vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh dân số, tỷ lệ sinh giảm chậm và không đạt được chỉ tiêu đề ra, đặc biệt năm 2008, tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng đột biến, đi kèm đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và chất lượng dân số chưa cao. Nếu không khắc phục kịp thời tình trạng này thì không những không đạt các chỉ tiêu dân số đã đề ra vào năm 2010 mà còn có nguy cơ phá vỡ những thành quả về dân số đã đạt được trong thời gian qua, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
P.V: Thưa đồng chí, việc thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có thuận lợi, khó khăn gì?
Đ/c Lưu Danh Cung: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh thực hiện chính sách DS - KHHGĐ. Hàng năm, kết quả công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Có thể nói, Tháng hành động về DS - KHHGĐ và chiến dịch truyền thông luôn là những đợt tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân.
Đó là những thuận lợi, song khó khăn không ít bởi một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân vẫn còn mang tâm lý sinh nhiều con, tư tưởng "có nếp, có tẻ", đã ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện công tác DS - KHHGĐ, tác động đến tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh.
P.V: Năm 2008, công tác DS - KHHGĐ được bàn giao về ngành Y tế quản lý, xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong năm qua?
Đ/c Lưu Danh Cung: Trong năm qua, công tác DS - KHHGĐ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế đặc biệt quan tâm. Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy, triển khai đồng bộ các giải pháp, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ.
Chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng khó khăn và vùng có mức sinh cao được triển khai ở 147 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, đạt 177% địa bàn chiến dịch theo kế hoạch Trung ương giao.
Trong chiến dịch đã có 46.545 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa, 5.485 phụ nữ có thai được khám thai, cấp viên sắt và tiêm phòng uốn ván.
Có 42.326/40.620 cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai, đạt 104% kế hoạch chiến dịch và đạt 95,43% kế hoạch năm. Số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai là 42.770 ca, đạt 96,4% kế hoạch năm. Tỷ lệ sinh toàn tỉnh là 14,110/00, giảm 0,10/00 so với năm 2007, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 14,5% (tăng 1,5% so với cùng kỳ).
Ngoài công tác truyền thông được thực hiện trong chiến dịch, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh còn tổ chức 36 buổi tư vấn cộng đồng nhằm cung cấp kiến thức SKSS/KHHGĐ ở 36 xã, phường, thị trấn cho trên 3.000 người, tổ chức 30 cuộc nói chuyện chuyên đề phổ biến kiến thức sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho 2.158 đối tượng là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể ở 30 xã.
Chỉ đạo Trung tâm DS - KHHGĐ các huyện thực hiện đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh", tổ chức 148 hội nghị tuyên truyền tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho hơn 8.000 đối tượng và tổ chức 256 cuộc Hội thảo nhóm nhỏ cho phụ nữ mang thai tại các xã thực hiện Đề án.
Để phục vụ kịp thời cho công tác tuyên truyền ở cơ sở, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã mua và cấp 36 bộ truyền thông cho 36 xã, phường, thị trấn với tổng số tiền là 180 triệu đồng. In ấn, cấp phát 120.000 tờ rơi tuyên truyền về KHHGĐ, phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản tới đối tượng.
P.V: Để đạt được mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ ba trở lên trong năm 2009, Chi cục Dân số - KHHGĐ có những giải pháp gì?
Đ/c Lưu Danh Cung: Để phấn đấu đạt mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ ba trở lên trong năm 2009, Chi cục Dân số - KHHGĐ sẽ luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Sở Y tế, đồng thời cần phải có sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp ủy, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân cho công tác DS - KHHGĐ.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 1 đến 1,5% so với năm 2008. Thực hiện đồng bộ các nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ để duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc trong toàn tỉnh; từng bước thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số; triển khai đồng bộ các hoạt động, chương trình, dự án đã được triển khai xuống cơ sở.
Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, cung cấp kịp thời, đa dạng các phương tiện tránh thai đến tận người sử dụng, đảm bảo an toàn, thuận tiện, hiệu quả; tăng cường tư vấn về các biện pháp tránh thai nhằm hạn chế tối đa những trường hợp bỏ cuộc, có thai ngoài ý muốn; tổ chức triển khai hoạt động tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai, từng bước xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ tránh thai và đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Hà (Thực hiện)