Trước mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh trong việc lựa chọn trường thi, khối thi, ngành nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn tuyển thông qua công tác dạy và học, ôn tập của các trường THPT… Phóng viên (PV) Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết về kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy những năm qua của tỉnh?
Đ/c Nguyễn Văn Thanh: Những năm gần đây, theo đánh giá của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Ninh Bình luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có điểm bình quân 3 môn thi đại học, cao đẳng cao trong toàn quốc. Hàng năm, mặc dù số lượng thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng hệ chính quy giảm, nhưng số thí sinh trúng tuyển lại tăng.
Từ năm 2010, tỷ lệ này tăng qua các năm: 33,1%; năm 2011 đạt 36,96%; năm 2012 đạt 40,14%; năm 2013 đạt 49,52%. Tiêu biểu là kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013, toàn tỉnh có 11.746 thí sinh dự thi đại học trong tổng số 16.111 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, số thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ 26 điểm trở lên có 88 thí sinh, trong đó có 2 thủ khoa. Năm 2013, Ninh Bình là tỉnh xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về điểm trung bình 3 môn thi vào các trường đại học, cao đẳng (13,78 điểm), có 6 trường THPT của tỉnh lọt vào tốp 200 trường THPT có điểm thi cao nhất toàn quốc.
Đây cũng là kết quả có sự tăng dần qua các năm: năm 2010 là 11,81 điểm, xếp thứ 11; năm 2011 là 12,08 điểm, xếp thứ 7; năm 2012 là 12,23 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Kết quả trên cho thấy kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của tỉnh có sự chuyển biến mạnh về chất lượng. Các đơn vị đạt thành tích cao trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm qua là: Trường THPT Kim Sơn A (điểm bình quân 3 môn thi đạt 17,06 điểm); trường THPT Yên Khánh A (17,64 điểm); THPT chuyên Lương Văn Tụy (17,03 điểm); THPT Nguyễn Huệ (16,13 điểm); THPT Yên Mô B (15,56 điểm)…
Năm qua, có 41 thí sinh của tỉnh được nhận giải thưởng từ Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh và 2 thí sinh là thủ khoa của các Trường Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Y Thái Bình. Kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy các năm qua, đặc biệt là kết quả năm 2013 là động lực để ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà tiếp tục có sự chỉ đạo và các giải pháp phù hợp, hiệu quả để từng bước nâng cao chất lượng thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, phấn đấu đưa Ninh Bình luôn giữ vững thành tích nằm trong "tốp" đầu các tỉnh, thành phố trong toàn quốc có kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cao.
PV: Vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có những chỉ đạo như thế nào đối với kỳ thi quan trọng này?
Đ/c Nguyễn Văn Thanh: Ngay từ đầu năm học, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Sở đã tổ chức giao ban chuyên đề về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng; tập trung chỉ đạo các trường THPT xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh sớm để các em căn cứ vào năng lực của mình, lựa chọn khối thi, trường thi cho phù hợp nhằm đạt kết quả cao.
Qua các cuộc giao ban định kỳ của Sở Giáo dục và Đào tạo, vấn đề tuyển sinh đại học, cao đẳng thường xuyên được quan tâm, các đơn vị báo cáo tình hình tổ chức thực hiện việc ôn tập, phân luồng học sinh. Cùng với việc tập trung dạy và học nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các nhà trường đã dành thời gian phù hợp để các thầy, cô giáo ôn luyện cho học sinh theo khối thi. Hoạt động này cũng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của phụ huynh học sinh.
Đặc biệt, trong học kỳ II của năm học 2013-2014, lần đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thi thử đại học theo đề chung của các trường THPT trong toàn tỉnh theo sự đăng ký tự nguyện của học sinh và các nhà trường. Kết quả kỳ thi thử được thống kê, tổng hợp để các thầy, cô giáo tiếp tục tập trung củng cố kiến thức cho học sinh, tạo tâm thế tốt nhất cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Qua đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nắm bắt được cụ thể tình hình, có sự chỉ đạo phù hợp.
Từ ngày 18-4 đến hết ngày 25-4, các đơn vị đã bàn giao dữ liệu, hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 về Sở Giáo dục - Đào tạo. Sau đó, Sở tiếp tục thực hiện các công việc kiểm tra, kiểm dò dữ liệu, hồ sơ nhận từ cơ sở. Ngày 5-5, Sở đã bàn giao hồ sơ, dữ liệu và lệ phí đăng ký dự thi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học, cao đẳng. Từ ngày 30-5 đến ngày 5-6 đã chuyển giấy báo dự thi cho thí sinh.
PV: Từ kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng qua các năm qua của tỉnh, đồng chí có nhận xét gì về xu hướng lựa chọn trường thi, khối thi, ngành học của thí sinh trong tỉnh những năm gần đây?
Đ/c Nguyễn Văn Thanh: Qua thống kê về kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng một số năm qua ở tỉnh ta cho thấy có sự chênh lệch giữa các khối thi, nhóm ngành nghề học rất lớn. Cụ thể là: Năm 2012 có 56,52 % thí sinh đăng ký dự thi vào các trường đại học khối kinh tế; năm 2013 có 49,83%; năm 2014 có 43,14 % thí sinh đăng ký dự thi vào các trường đại học khối kinh tế...
Thống kê trên cho thấy tình trạng thí sinh vẫn có xu hướng lựa chọn các ngành khối kinh tế, công nghệ thông tin… Trong khi đó, các trường nghề mặc dù có thời gian học ngắn, nhu cầu xã hội đang cần những lao động có tay nghề, dễ tìm kiếm việc làm lại có ít thí sinh lựa chọn. Tình trạng trên cho thấy, việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh chưa bám sát nhu cầu lao động của xã hội và các tổ chức kinh tế, lựa chọn còn mang tính chất cảm tính, chưa phù hợp với năng lực của bản thân, vì vậy kết quả thi tuyển không được như mong muốn.
Kết quả thi tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm qua ở tỉnh ta rất đáng ghi nhận, song để giữ vững vị trí tốp đầu, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo các trường THPT; các cơ sở đào tạo nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ lớp đầu cấp THPT, có những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tập trung ôn luyện và củng cố kiến thức để học sinh có sự chuẩn bị đầy đủ cả về kiến thức và sự lựa chọn ngành nghề đúng đắn, tham gia kỳ thi đại học, cao đẳng đạt kết quả cao.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (Thực hiện)