Đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh cho biết: Gần đây, giá phân bón liên tục tăng do nguyên liệu nhập khẩu tăng, cùng tỷ giá ngoại tệ và nhiều loại chi phí sản xuất đầu vào tăng như: xăng dầu, điện, cước phí vận chuyển... dự đoán, giá các loại phân bón sẽ còn tăng hoặc tiếp tục đứng ở mức cao.
Nhiều nông dân cho biết, với tình hình giá vật tư tăng cao, chi phí sản xuất lúa trong vụ đồng xuân năm 2011 có thể tăng 500.000 đến 600.000 đồng/sào, như vậy thu nhập từ sản xuất nông nghiệp sẽ bị giảm, ảnh hưởng tới đời sống của người nông dân. Một khó khăn hiện nay đó là nhiều nông dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn sản xuất. Bởi thời gian qua, nhiều nông dân thường mua phân bón ghi nợ, đến vụ thu hoạch mới trả tiền. Nhưng giá phân bón và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có chiều hướng tăng cao, đồng vốn bị thu hẹp, nhiều cửa hàng kinh doanh phân bón hạn chế bán chịu cho nông dân. Anh Nguyễn Văn Võ, xã Gia Trung (Gia Viễn) cho biết: Lâu nay, chúng tôi thu hoạch xong vụ thì mới thanh toán tiền phân bón cho người bán hàng, nhưng bây giờ phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng cao, sản xuất lại gặp nhiều khó khăn. Nhà nào mà không có người làm, đi thuê công lao động thì không biết cấy lúa có được dư ra chút nào không.
Để giảm bớt khó khăn cho nông dân, Hội Hông dân tỉnh đã làm việc với Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình để cho nông dân được mua phân bón trả chậm 6 tháng, tạo điều kiện để họ yên tâm sản xuất. Tuy nhiên giải pháp này cũng chỉ như "muối bỏ biển" trong khi đồng loạt các mặt hàng thiết yếu, giá cả vật tư nông nghiệp cùng tăng giá; nhất là trong thời gian tới, nông dân cần nước để chống hạn, chăm sóc cây trồng thì việc cắt điện luân phiên, tăng giá xăng, dầu, phân bón… khiến cho người nông dân cảm thấy "quá sức" của họ. Bà Nguyễn Thị Sự ở xã Yên Quang (Nho Quan) cho biết: Năm nay thời tiết không thuận lợi nên qua Tết mạ nhà tôi chết hết, phải gieo lại. Đến thời kỳ chăm bón thì giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao nên gia đình tôi đang rất lo lắng. Nếu giá phân bón không giảm chắc vụ sau nhà tôi phải giảm bớt diện tích gieo cấy lúa để chuyển sang các loại cây trồng khác cho đỡ tốn kém. Với tình hình sản xuất khó khăn như hiện nay người nông dân chúng tôi rất cần có sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước.
Để giúp bà con nông dân vượt qua những khó khăn trước mắt và giành một vụ sản xuất đông xuân thắng lợi, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giải quyết khó khăn về vốn, về đầu ra sản phẩm và việc bình ổn giá cả các loại vật tư đầu vào. Đồng thời có phương án hỗ trợ nông dân trong công tác phòng, chống sâu bệnh, hạn hán trong thời gian tới. Đồng chí Bựi Mai Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hiện nay người nông dân chỉ biết trông chờ vào sự can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá cả, nhất là đối với các mặt hàng vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó chúng tôi cũng mong các ngân hàng, tổ chức tín dụng nên có chính sách để hỗ trợ lãi suất cho các mặt hàng nông nghiệp. Tập trung vốn tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất, nhất là cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu.
Đức Bá