Khác với nhiều nhà thơ khác, Tâm An đến với thơ bằng một xuất phát điểm không được "thơ" cho lắm. Đành rằng "Cơm áo không đùa với khách thơ". 19 tuổi Tâm An đi làm, ngày đó nhà nghèo lắm, lương hợp đồng lại thấp nên chị làm thơ để... kiếm tiền, không dám lấy tên thật của mình vì sợ... Thơ nuôi chị trong một thời gian khá dài. Chị thật thà: "Chiếc xe máy Tâm An đang đi bây giờ cũng là do nghiệp viết tặng cho".
Với số lượng không nhỏ tác phẩm được đăng tải trên báo chí, nhiều người đã biết đến một "Tâm An Thơ" và khuyên chị nên đi theo nghiệp văn chương, song chị nhận thấy "văn chương chỉ song hành với những người thực sự có năng khiếu và đam mê mãnh liệt". Mà với chị "ngoài chút năng khiếu còn ngọn lửa đam mê trong lòng không nhiều". Một điều nữa khiến chị không muốn gắn với thơ đó là chị sợ hệ lụy của thơ "vận" vào cuộc đời mình.
Chị tâm sự: "Những lúc tôi viết nhiều là khi ấy tâm hồn tôi đang bất ổn và càng bất ổn thì tôi càng cho ra đời những đứa con "buồn và mộng", nhiều khi cảm nhận về "nhân tình thế thái", tôi muốn viết cho người nhưng tôi lại hóa thân quá nhiều vào nhân vật, những tác phẩm ấy làm tôi hoang mang, tôi không dám công bố vì tôi sợ một hệ lụy nào đó của những "vần thơ buồn ấy" vào đời sống vốn đã không mấy may mắn của mình". Thế nhưng thơ vẫn như mạch nguồn luôn chảy trong chị, dù đôi khi chị cố gắng "dứt tình" với nó để cho mình được trở về đúng nghĩa Tâm An.
Mỗi người làm thơ đều có một tuyên ngôn của mình về thơ, Tâm An nói, chị rất thích "tuyên ngôn" của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: "Thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia hơn là chiếm đoạt, gần với chiến thắng mình hơn là răn người". Chị chưa dám nhận mình là nhà thơ, nên không dám đưa ra định nghĩa hay tuyên ngôn về thơ. Chị chỉ tự nhủ: Thơ là người bạn thân thiết nhất, trung thành nhất để chị có thể sẻ chia và lắng nghe những tâm sự của chính mình, vì thế mà nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của chị.
Không được đào tạo bài bản để trở thành người viết chuyên nghiệp nên đọc thơ Tâm An người ta không thấy những mỹ từ, không có sự lắt léo, hình ảnh của ngôn ngữ mà nó mộc mạc, chân thành và đằm thắm, dễ đi vào lòng người như chính bản thân chị. Người ta nói, thơ là sự trải nghiệm cuộc sống, là những gì mình không nói được vì thế mà trong hàng trăm bài thơ của chị chỉ chắt lọc được một vài bài thơ "hơi vui".
Chị kể: Không biết có ai bảo ai không mà Tết năm nay rất nhiều người nhắn tin cho Tâm An rằng: "Hãy sống như người bình thường nhé!". Lẽ nào mình đang không bình thường?. Ở tuổi của chị nếu bình thường thì người ta đã có một mái ấm, còn chị thì vẫn đang mải miết kiếm tìm: "Đến bao giờ em mới nhận ra anh/Nửa của em trong triệu người quen, lạ/Để mỗi chiều vòng xe quay hối hả/Hai tiếng "gia đình" tha thiết đợi chờ em?" (Có thể). Chính vì thế mà trong thơ Tâm An dù buồn, dù vui cũng luôn có một sự khát khao đến mãnh liệt được sống, được yêu.
Những bài thơ viết về tình yêu không phải là nhiều nhưng lại là những bài mang đậm dấu ấn của phong cách thơ chị. Tâm An viết thơ tình theo cách riêng và cái khao khát cũng rất riêng. Mỗi bài thơ như muôn tiếng tơ lòng. Ai đã đọc thơ tình của Tâm An dường như cũng bị mê hoặc trong thế giới tâm hồn của chị.
Những bài thơ viết về tình yêu của chị là những bài thơ rưng rưng cảm xúc, nhẹ nhàng, thanh khiết mà đằm thắm yêu thương: "Trái tim còn đỏ máu tươi/Thì tôi còn đợi cái người chưa quen" (Muộn màng). Cái khao khát đằm thắm và sự đăm đắm chờ đợi của chị sẽ ám ảnh cho những ai nặng lòng với thơ chị: "Năm qua đi, tháng qua đi/Trái tim gõ nhịp thầm thì: Tâm An" (Cho mình).
Tình yêu là cái cũ nhất của loài người nhưng nó lại mới mẻ với riêng từng cá nhân và nó càng tinh khôi hơn với Tâm An, bởi thế mà tình yêu trong chị luôn là sự khát khao đến cháy bỏng. Lấp lánh trong các trang thơ là vẻ đẹp nữ tính, được tác giả khắc họa một cách giản dị: "Em bây giờ có ngây thơ được không/Điều chưa nói chẳng bao giờ nói nữa/Đành náu mình trong lời ca chan chứa/Lệ rơi!" (Chiều đông nghe nhạc Trịnh).
Có lẽ Tâm An là nhà thơ đầu tiên tôi phải ngập ngừng rất nhiều lần khi cầm bút viết về chị. Bởi với chị tôi có quá nhiều cảm xúc khó diễn đạt thành lời. Viết thế nào cho đúng với tình cảm tôi dành cho con người và thơ chị? Viết thế nào cho độc giả hiểu đúng về nhà thơ nữ Tâm An? Thực tâm, tôi chỉ muốn viết để chị hiểu rằng tôi và những người yêu thơ chị rất muốn được sẻ chia một phần nào góc khuất trong tâm hồn "Cứ day dứt mà âm thầm lặng lẽ/Ba mươi rồi... mong manh đến xót xa!" của chị.
Bài, ảnh: Linh Nhi