Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban ATG tỉnh dự hội nghị.Năm 2014, tình hình TTATGT tiếp tục có nhiều chuyển biến, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT. Tính từ ngày 16-12-2013 đến 15-12-2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ TNGT, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. So với năm 2013, giảm 4.063 vụ (-13,8%), giảm 373 người chết (-4%), giảm 5.083 người bị thương (-17,2%). Có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người người chết vì TNGT, trong đó có 10 địa phương giảm trên 20% số người chết.
Tại Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự cố gắng nỗ lực của các sở, ban, ngành, các lực lượng chức năng trong đó lực lượng công an và ngành giao thông là nòng cốt đã triển khai thực hiện quyết liệt, liên tục đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, góp phần làm tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí về số người chết, số người bị thương và số vụ tai nạn. Đây là năm thứ 12 liên tiếp Ninh Bình giảm cả 3 tiêu chí, không có tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn, không có tình trạng đua xe trái phép, tình trạng ùn tắc giao thông đã được khắc phục.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả mà các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong năm 2014. Đồng chí lưu ý,tình hình TNGT còn diễn biến phức tạp, vì vậy các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa các giải pháp đồng bộ, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT; quyết tâm thực hiện chủ đề năm ATGT năm 2015 là: "siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện" với mục tiêu giảm 5%-10% các chỉ tiêu về TNGT so với năm 2014.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2015, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể đối với công tác bảo đảm TTATGT, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ; tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, trong đó tập trung vào quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; đẩy mạnh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy nhanh rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, thường xuyên rà soát khắc phục các điểm đen, vị trí mất ATGT; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo đảm TTATGT; tiếp tục nhân rộng các giải pháp đột phá về khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông được thực hiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, khuyến khích hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Kiều Ân-Anh Tuấn