Ông Vũ Tiến Lợi, sinh năm 1957, trong một gia đình nông dân công giáo nghèo tại xã Cồn Thoi. Thuở nhỏ ông đã quen với cảnh quanh năm lam lũ với đồng ruộng, sông nước nên ông thấu hiểu được nỗi gian khó của người nông dân khi không có kiến thức, không có vốn. Khi đã có gia đình riêng, ông Lợi hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương như vừa làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân, vừa tham gia công tác Mặt trận ở thôn.
Ông Lợi luôn trăn trở làm gì để tận dụng lợi thế của vùng nước lợ ven biển? Nhưng phải đến năm 1998, ông Lợi mới có điều kiện thực hiện suy nghĩ đấy. Sau khi bàn bạc với vợ, ông Lợi quyết định đấu thầu gần 3,8 ha đất nông nghiệp của Nông trường Bình Minh để cải tạo cấy lúa và nuôi cá. Năm đầu, trừ chi phí gia đình ông thu nhập từ cá được khoảng 200 triệu đồng. Con cá đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân có trí làm giàu Vũ Tiến Lợi. Ông tiếp tục đầu tư thâm canh với nhiều loại giống cá.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, qua tham khảo những người nông dân trong huyện và qua sách, báo, Internet, ông Lợi nhận thấy, nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp cho lợi nhuận rất cao mà thị trường thì không đáng ngại. Nhưng nuôi tôm thẻ chân trắng đòi hỏi phải có kỹ thuật, hạ tầng, con giống phải bảo đảm, nguồn nước phải luôn sạch… mà những điều kiện này với ông Lợi gần như chưa có. Khi ông có ý tưởng nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp nhiều người đã cản bởi lúc ấy ở Cồn Thoi cũng đã có không ít người nuôi quảng canh nhưng hiệu quả không cao, thậm chí nhiều người phải bán nhà, bán đất để ly hương.
Những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp được ông Lợi cân nhắc, tính toán thiệt- hơn. Tinh thần dám nghĩ, dám làm đã thôi thúc người nông dân này một lần nữa mạnh dạn đột phá chuyển hướng làm ăn. Năm 2012, bằng nguồn vốn tự có và vay thêm Quỹ tín dụng nhân dân xã Cồn Thoi, ông quyết định đầu tư 700 triệu đồng để nạo vét lại ao, đắp lại bờ, mua máy đảo nước, máy phát điện, con giống… Những ngày đầu nuôi tôm, hàng ngày ông Lợi theo dõi cẩn thận từ những thay đổi về nguồn nước đến tốc độ sinh trưởng của con tôm… Gian lao, vất vả của ông Lợi đã được đền đáp xứng đáng khi vụ thu hoạch tôm đầu tiên của ông, trừ chi phí ông thu về 400 triệu đồng. Bây giờ thì việc nuôi tôm của gia đình ông Lợi đã ổn định, thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt hơn 600 triệu đồng.
Ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng, hiện gia đình ông Vũ Tiến Lợi còn tận dụng diện tích trên bờ để nuôi lợn, gà, vịt. Năm 2014, tổng thu từ trang trại tổng hợp của gia đình ông đạt 1 tỷ 450 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 700 triệu đồng.
Giàu từ nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Vũ Tiến Lợi tạo điều kiện để các hộ dân trong xã vươn lên thoát nghèo. Năm 2013, ông cùng với 5 gia đình khác trong vùng quyết định đưa con tôm thẻ vào nuôi theo hướng công nghiệp và tạo việc làm cho 25 lao động địa phương vào lúc thời vụ. Trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn 7A Đông, ông Lợi tích cực cùng BCH Chi hội thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp cho hội viên nông dân.
Ông luôn tâm niệm: Mình đã thành công, kinh nghiệm không chỉ để phục vụ cho riêng mình mà phải được đem ra để nhiều người cùng vận dụng. Phải có những người nuôi tôm giỏi thì mới có những vùng nuôi tôm bền vững, giảm thiểu bệnh tật và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Từ năm 2012 đến nay, ông Lợi đã đứng ra mua giúp thức ăn, con giống không có lãi cho các hội viên và trực tiếp giúp 7 hộ gia đình nuôi tôm quảng canh chuyển sang nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, ông còn phổ biến kỹ thuật về nuôi gà, vịt, sản xuất lúa và đưa các loại giống phù hợp với vùng đất của địa phương.
Với những thành tích đạt được, nhiều năm qua, ông Vũ Tiến Lợi vinh dự được Hội Nông dân tỉnh và huyện khen thưởng, đặc biệt vừa qua ông là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh vinh danh; được tín nhiệm bầu là ủy viên ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Mai Lan