Ông Phạm Hồng Thắng, sinh năm 1957, quê thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư). Ông Thắng nổi tiếng khắp vùng quê bởi khả năng sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là ngón đàn bầu rất mực tài hoa. Thực ra không phải ngẫu nhiên ông Thắng có được ngón nghề độc đáo đó, mà sự mê thích nghệ thuật của ông được di truyền từ cái gen của gia đình. Ông ngoại ông Thắng là một người chơi đàn Nguyệt nổi tiếng. Cái "gen âm nhạc" ấy truyền sang người mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Mão, rồi truyền đến đời ông. Cụ Mão thuở còn son nổi tiếng khắp vùng bởi tài hát chèo, ông Thắng sinh ra đã mang trong mình cái máu âm nhạc được thừa hưởng từ mẹ.
Vì yêu thích âm nhạc và giỏi chơi các nhạc cụ, nên từ thời thanh niên, ông Thắng thường chơi nhạc cho các sự kiện của địa phương. Cũng vì vậy mà học hết lớp 7, ông được địa phương cử sang Nam Định học lớp sơ cấp nhạc cụ dân tộc và ông gắn bó với đàn bầu từ đó. Đến năm 1978, ông Thắng đi lính, đóng quân tại thị xã Pleiku. Với năng khiếu văn nghệ, nên khi vào lính, ông Thắng thường tham gia vào các hoạt động văn nghệ của đơn vị.
Vào thời điểm ấy, vừa nổi tiếng với cây đàn bầu, ông còn tham gia đệm đàn cho Đài Phát thanh tỉnh Gia Lai trong chương trình ngâm thơ, rồi chuyển sang làm nhạc công của Đoàn văn công Đăm San. Năm 1982, ông Thắng đi hội diễn toàn quân tại Hà Nội và xin đơn vị về thăm nhà. Thương cảnh nhà neo người, mẹ già yếu, nên sau đợt hội diễn, ông xin ra quân, bỏ luôn công việc ở Đoàn văn công Đăm San. Cuối năm ấy ông thi tuyển vào Đoàn văn công Hà Nam Ninh.
Ông trúng tuyển vào đoàn ca múa, nhưng sau khi xem ông chơi nhạc, Đoàn văn công Hà Nam Ninh nhận thấy ngón nghề của ông phù hợp với nhạc chèo, vậy là ông được chuyển sang chơi nhạc chèo. Khốn nỗi, vì mới vào đoàn nên ông Thắng lại được giao chuyên đánh đàn Tam. Được một thời gian, thấy không hợp với sở trường của mình, ông Thắng bỏ đoàn về lại quê nhà.
Năm 1983 vào hoạt động cho đội văn nghệ Công ty vận tải đường sông 210 tại thị xã Ninh Bình. Tình hình kinh tế những năm 1980 rất khó khăn, ông Thắng vừa làm công nhân lại kiêm thêm nghề chơi nhạc, cắt dán, kẻ vẽ chữ tại các đám cưới. Sau khoảng 2 năm thì nghỉ làm tại Công ty vận tải đường sông 210, về quê vừa làm ruộng vừa tham gia chơi nhạc đám cưới. Các con của ông hiện nay vẫn còn tiếp nối nghề này.
Do bản tính tự do, cộng với hoàn cảnh gia đình, ông Thắng tuy không hoàn thành ước mơ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng niềm yêu thích âm nhạc của người đàn ông này lại không hề vơi cạn. Tại địa phương, ông trở thành một hạt nhân văn nghệ quần chúng hoạt động rất tích cực. Ông chính là một trong những người làm nên "linh hồn" của câu lạc bộ chèo thôn Bạch Cừ, xã Ninh Khang. Từ năm 1983 tới nay, hầu như tại các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp, ông đều được mời tham gia.
Trong đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông Thắng đã gặt hái nhiều thành tích: 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc cá nhân Hội diễn nghệ thuật của Quân khu 5; nhiều lần giành giải A độc tấu đàn Bầu tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện Hoa Lư và tỉnh Ninh Bình. Hoạt động gần đây nhất của ông là tham gia độc tấu đàn Bầu tại Tuần lễ du lịch Ninh Bình - Tam Cốc; biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Lễ khai trương Phố đi bộ Ninh Bình...
Ngoài thời gian mưu sinh bằng nghề bát âm, ông Phạm Hồng Thắng còn dành nhiều thời gian truyền nghề cho những người yêu thích cổ nhạc, đặc biệt là việc sử dụng hai nhạc cụ Nhị và đàn Bầu. Gian nhà nhỏ của ông tại thôn Bạch Cừ bày biện đủ thứ nhạc cụ truyền thống, có thể ví như một "nhạc viện" thu nhỏ. Từ đây, thỉnh thoảng người dân lại được nghe tiếng khoan, tiếng nhặt từ những bản nhạc mà ông Thắng ngẫu hứng biểu diễn, hay dạy cho các học trò.
Ông Thắng biết sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc, nhưng nhạc cụ ông yêu thích nhất, chơi hay nhất, chính là cây đàn Bầu. Đặc biệt là các bản nhạc chèo của làn điệu chèo cổ. Nhiều người dân Ninh Khang cho biết, sở dĩ họ yêu thích chèo một phần vì mê tiếng đàn ngọt lịm của ông. Nhiều học trò theo học nhạc ông Thắng đã thi đỗ vào Khoa nhạc cụ dân tộc của nhiều trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp...
Hiện tại ông Thắng đã bước qua tuổi 64, nhưng niềm yêu thích với cây độc huyền cầm không những không giảm mà còn ngày càng lớn hơn. Mong muốn của ông là tiếp tục duy trì và ngày càng có thêm nhiều người yêu thích, gắn bó với loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc này.
Bài, ảnh: Mai Phương