Sinh ra không được may mắn như những người bình thường khác, ngay từ nhỏ anh Lê Văn Lịch đã bị khuyết tật ở đôi chân. Thế nhưng Lịch lại là người khá thông minh và có ý chí vươn lên, cùng với sự quan tâm, động viên của gia đình, thầy cô và bạn bè, Lịch không chịu cuộc sống phụ thuộc của người bị tàn tật. Do đó, học xong phổ thông, anh đi học nghề may, sửa chữa xe máy cho người khuyết tật. Những năm đầu đi làm thuê phần nào giúp anh trang trải cho cuộc sống của gia đình nhỏ.
Anh Lê Văn Lịch chia sẻ: Đối với những người bình thường, tự lực để vươn lên trong cuộc sống còn không dễ chứ đừng nói đến những người thiệt thòi, bất hạnh, bị khiếm khuyết một phần cơ thể như chúng tôi. Thấu hiểu hoàn cảnh của những người đồng cảnh ngộ, bản thân tôi luôn trăn trở muốn làm gì đó để giúp người khuyết tật (NKT) có việc làm để tự nuôi sống bản thân, giúp họ bớt mặc cảm trong cuộc sống. Lấy ý tưởng từ người bạn khuyết tật của mình bị khuyết tật chân tay ngắn, di chuyển đi lại rất khó khăn, anh Lịch đã vận dụng kiến thức cơ khí từ khi học sửa chữa xe máy, tìm kiếm vật liệu, thông số kỹ thuật và việc sản xuất xe lăn, xe máy điện của các nước phát triển qua mạng Internet. Năm 2014, anh Lịch đã thiết kế chiếc xe máy điện phù hợp với dạng khuyết tật của bạn để di chuyển dễ dàng hơn, thậm chí có thể đi làm được.
Chiếc xe máy điện do anh Lịch tặng rất phù hợp với người bạn, được anh bạn sử dụng phù hợp, hiệu quả với bản thân nên đã đăng chiếc xe đó lên trang mạng xã hội Facebook, chia sẻ với các bạn khuyết tật trong diễn đàn NKT. Từ đó, sản phẩm xe lăn, xe máy điện cho người khuyết tật được nhiều người ở các tỉnh, thành phố đặt hàng. "Đến tháng 2/2015, tôi và anh Đạt quyết định thành lập xưởng chế tạo xe điện và dạy nghề cho NKT mang tên Thiên Lịch, thuê cửa hàng tại trục đường chính xã Trường Yên. Hiện nay, xưởng sản xuất tạo việc làm cho 6 người khuyết tật và 2 người bình thường chuyên về bảo hành bảo dưỡng xe đã bán để NKT yên tâm sử dụng, bình quân lương 3 triệu đồng/tháng.." - anh Lịch cho biết thêm.
Theo anh Lịch, khó khăn lớn nhất của xưởng sản xuất hiện nay đó là thiếu vốn nên không thể mở rộng xưởng để có thể nhận nhiều những đơn hàng lớn do các khách hàng đặt. Do điều kiện kinh tế gia đình không có, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, lấy lãi gối vốn, xoay sở mọi cách để vay đầu tư mua trang thiết bị như máy vi tính để thiết kế xe đảm bảo các thông số kỹ thuật, máy hàn, máy cắt, máy phun sơn, vật tư để sản xuất chiếc xe lăn, xe máy điện mà khách hàng đặt. Hiện nay, đầu tư cơ sở đạt khoảng 100 triệu đồng cũng mới chỉ đủ điều kiện sản xuất những đơn hàng có giá trị nhỏ, vào khoảng gần chục xe/tháng, trung bình 1 chiếc xe dao động từ 4,5 - 9,5 triệu đồng, giá cao nhất khoảng 20 triệu đồng tùy thuộc vào NKT sử dụng ở các dạng tật khác nhau. Trong gần 3 năm, xưởng sản xuất được khoảng 200 chiếc xe điện cho người khuyết tật và bán ở một số tỉnh trong nước và đơn vị từ thiện của Mỹ.
Bằng nghị lực và quyết tâm lập nghiệp, tạo việc làm cho nhiều NKT, trong năm 2018 anh Lịch sẽ mở rộng xưởng sản xuất, mạnh dạn vay vốn từ các nguồn cho vay hỗ trợ từ ngân hàng để kịp thời sản xuất được nhiều xe phục vụ NKT trong vận động, sinh hoạt thường ngày, tạo điều kiện cho NKT có phương tiện đi lại tìm kiếm việc làm. Đồng thời xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho những sản phẩm do xưởng chế tạo.
Ông Phạm Hữu Chính, Phó Ban công tác về NKT, Chủ tịch Hội NKT tỉnh cho biết: Các cấp Hội Người khuyết tật tỉnh đánh giá cao hoạt động của xưởng sản xuất Thiên Lịch, vì vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phát triển được phương tiện đi học, đi làm cho NKT. Ghi nhận tâm huyết của anh Lê Văn Lịch, Hội NKT tỉnh đang có kế hoạch tìm kiếm các nguồn tài trợ, cho vay để hỗ trợ xưởng sản xuất Thiên Lịch mở rộng xưởng, phát triển hơn nữa, tạo thêm việc làm cho NKT và tạo phương tiện đi lại cho NKT. Theo đó, sẽ kêu gọi các dự án từ các tổ chức phi chính phủ; tìm kiếm các nguồn vốn vay từ các ngân hàng; quảng cáo rộng rãi trên các trang điện tử, báo, đài truyền hình; tìm kiếm các hợp đồng từ Hội NKT các tỉnh….; tạo điều kiện cho anh Lịch đi tuyên truyền, quảng bá sản phẩm với các tỉnh trong cả nước qua hình thức tham quan; giới thiệu sản phẩm qua các buổi tập huấn của Hội NKT thông qua tuyên truyền qua các clip hình ảnh về sản phẩm xe lăn, xe máy điện của xưởng sản xuất, từ đó giúp cơ sở phát triển mạnh trong tương lai. Đây là mô hình mẫu của NKT về nghị lực vượt lên số phận tật nguyền để làm giàu cho bản thân, giải quyết việc làm cho người cùng cảnh ngộ và đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Bài, ảnh: Hồng Vân