Cùng các đồng chí lãnh đạo xã Ninh Nhất, chúng tôi đến nhà ông Chiều khi hai vợ chồng ông đang ngồi ngắm cảnh đường làng trước ngõ. Chỉ tay về phía con đường trước mặt, ông Chiều cười tươi, bảo: Bây giờ đường sá đi lại thuận lợi hơn trước rất nhiều. Tất cả là nhờ có chủ trương xây dựng đô thị văn minh của thành phố...
Ông Chiều nhớ lại: Ngày trước, con đường này nhỏ hẹp, lầy lội, bà con đi lại rất khó khăn, các cháu nhỏ thì dường như chẳng dám ra ngoài đường mỗi khi trời mưa. Đã từ lâu, người dân thôn Thượng Nam ước mong có một con đường bê tông để đi lại thuận lợi hơn. Năm 2014, thực hiện phong trào "Chung sức xây dựng thành phố Ninh Bình lên đô thị loại II", thành phố đã có chủ trương hỗ trợ xi măng để các xã, phường làm đường giao thông. Đón nhận chủ trương này, tôi cũng như người dân trong thôn đã tham gia họp bàn, lên kế hoạch xây dựng tuyến đường. Đặc biệt, khi các đồng chí lãnh đạo thôn đặt vấn đề cần mở rộng tuyến đường, tôi đã ủng hộ và quyết định hiến trên 70m2 đất của gia đình để con đường to và thẳng hơn.
Ông Nguyễn Tử Chiều nay đã bước sang tuổi 84, không có nhiều sức khỏe để tham gia các hoạt động xã hội nhưng mỗi khi có công việc chung của làng, ông đều sẵn sàng tham gia hiến công, hiến kế. Đặc biệt, ông luôn luôn căn dặn các con cháu sống hòa thuận và sẵn lòng san sẻ với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Từng là giáo viên và nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Nhất, ông Chiều được bà con lối xóm cảm phục bởi tinh thần tận tụy, gương mẫu. Ông Chiều tâm sự: Mảnh đất mà gia đình tôi đang sinh sống vốn là đất của ông cha để lại. Vì thế, đối với gia đình, nơi này không chỉ là "tấc đất, tấc vàng" mà hơn thế nó còn là nơi lưu giữ hồn cốt của tổ tiên. Khi tôi quyết định hiến đất, cũng có một số người nói tôi nên "cân nhắc". Nhưng điều đáng mừng là khi biết chuyện, các con, cháu tôi cũng rất đồng tình ủng hộ để tôi hiến đất, giúp ích cho làng, xóm, đó là việc nghĩa ở đời. Mà đã là việc nghĩa ở đời thì đâu có tính đến chuyện thiệt hơn!
Đồng chí Lê Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất cho biết: Không những hiến đất, gia đình ông Chiều còn tự nguyện phá dỡ toàn bộ tường bao mà không hề nhận tiền đền bù. Noi theo tấm gương của gia đình ông Chiều, nhiều người dân trong thôn cũng đã tự nguyện đóng góp ngày công và kinh phí để cùng nhau làm tuyến đường. Sau 2 tháng khởi công, con đường dong của thôn Thượng Nam đã hoàn thành. Con đường có chiều dài 400m và rộng gần 3m, so với trước kia, con đường đã được mở rộng gần 2m.
Với những đóng góp của gia đình, năm 2014, ông Nguyễn Tử Chiều vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào "Thi đua chung sức xây dựng thành phố Ninh Bình lên đô thị loại II". Nhưng với ông Chiều thì nụ cười và niềm vui của mỗi người dân Thượng Nam khi đi trên tuyến đường làng này là niềm hạnh phúc. "Giờ đây, cứ chiều chiều hai vợ chồng tôi lại ra ngõ để ngắm nhìn làng quê mà thấy thêm yêu cuộc sống này hơn"- ông Chiều cười tươi.
Tạm biệt ông Chiều, chúng tôi mang theo lời tâm sự chân thành của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Nhất: Nhờ có tinh thần gương mẫu đi đầu hy sinh quyền lợi cá nhân của ông Chiều mà các cuộc vận động khác của thôn Thượng Nam nói riêng và của toàn xã nói chung đã trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều so với trước. Đâu đó trong cuộc sống hàng ngày đã có không ít những người "vì mảnh đất mà mất tình thân" thì tấm lòng cao cả của ông Chiều thật đáng trân trọng.
Mai Lan