Chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Hồng Thắng vào một ngày đầu tháng Bảy. Ngôi nhà 2 tầng khang trang của gia đình ông Thắng hiện ra giữa vườn cây trái sum suê quả ngọt. Ông Thắng nói, vườn cây ăn quả của gia đình ông đang vào thời kỳ chăm sóc đặc biệt để tránh tối đa ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài. Bận rộn với việc phát triển kinh tế gia đình, song ngày nào ông Thắng cũng dành thời gian đến các gia đình trong thôn để tuyên truyền, vận động bà con nỗ lực phát triển kinh tế, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động.
Ông Thắng cho biết, trước đây, An Ngải là một trong những thôn nghèo nhất, nhì xã. Bà con làm nông nghiệp song canh tác manh mún nên hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, bà con lại không có việc làm thêm lúc nông nhàn thành ra cuộc sống của bà con hết sức khó khăn, có thời điểm tỉ lệ hộ nghèo lên hơn 20%, nhiều trẻ em phải bỏ học giữa chừng. Vậy nhưng, đó đã là câu chuyện của quá khứ. Ngày nay, cuộc sống của đồng bào trong thôn đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua mỗi năm. Có được kết quả đó là nhờ địa phương đã thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Muốn bà con tích cực hưởng ứng Cuộc vận động thì trước mắt phải giúp bà con phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo. Với vai trò là người uy tín, ông Bùi Hồng Thắng tích cực vận động bà con trong thôn thực hiện dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp. "Thôn An Ngải có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mường, theo đạo Thiên Chúa, nhiều bà con đã quen với tiếng mẹ đẻ nên còn hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, chính sách được triển khai. Vì thế với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và người dân, tôi đã đến tận nhà hộ dân để tuyên truyền, vận động và phân tích rõ lợi ích từ việc thực hiện dồn điền đổi thửa và chia sẻ kinh nghiệm của chính bản thân mình trong phát triển kinh tế để bà con tin tưởng và làm theo - ông Bùi Hồng Thắng chia sẻ.
Ruộng không còn manh mún nữa, bà con dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, lựa chọn những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Không chỉ làm giàu cho bản thân, những hộ khá giả còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về giống, vốn để hỗ trợ những hộ khó khăn. Ngoài ra, ông Thắng phối hợp với Ban Mặt trận thôn vận động những hộ có lao động sẵn sàng hỗ trợ những gia đình khan hiếm lao động trong những ngày mùa vụ để việc gieo cấy, thu hoạch kịp thời khung thời vụ. Kinh tế ổn định, việc vận động bà con trong thôn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi cũng thuận lợi hơn. Bằng sự hỗ trợ, chung tay của đồng bào, đến nay thôn đã xây dựng được Nhà văn hóa, là nơi diễn ra các buổi họp sinh hoạt văn hóa, thể thao và là ngôi nhà chung của cả thôn. Đặc biệt, khi địa phương bắt tay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Bùi Hồng Thắng đã vận động các hộ dân trong thôn hiến đất, góp tiền, ngày công để hoàn thành gần 1 km đường dong thôn theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Ông Bùi Mạnh Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc chia sẻ: Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mường, những năm qua, ông Bùi Hồng Thắng luôn gương mẫu, đi đầu và vận động mọi người dân trong thôn thực hiện các phong trào ở cơ sở. Mặt khác, là người am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình nên ông thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể tại địa phương giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư… Với sự đóng góp của những người có uy tín như ông Bùi Hồng Thắng đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn ở Quảng Lạc ngày càng khang trang. Đến nay, toàn xã có 8/8 thôn có Nhà văn hóa, có 6/8 đạt khu dân cư văn hóa, trong đó có 4 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa từ 10 năm liền trở lên.
Đào Hằng