P.V: Năm 2011, ngành Giáo dục - Đào tạo đã triển khai công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT như thế nào?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Saukhicó công bố 6 môn thi của Bộ,Sở Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch đề ra, không cắt xén chương trình đã quy định để ôn thi. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường cần tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh lớp 12 nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011: Yêu cầu các nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên dạy môn thi tốt nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập, biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp, để tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú trọng việc giúp học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức, tránh tình trạng ôn tập theo kiểu học tủ, học lệch. Các học sinh cần bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng để có được kết quả cao nhất trong kỳ thi.
Sở Giáo dục - Đào tạo cũng đã có các công văn hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp Giáo dục thường xuyên cấp THPT năm 2011, yêu cầu các trường cử lãnh đạo trường, nhóm trưởng phụ trách môn thi tốt nghiệp về dự hội nghị hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp nhằm rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập cho học sinh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 và triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm tổ chức tốt việc ôn tập với học sinh lớp 12 để nâng cao chất lượng kỳ thi. Đồng thời, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh có Công văn chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ban, ngành phối hợp tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT.
P.V: Xin đồng chí cho biết nét mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 về cơ bản được giữ ổn định như năm 2010, trong đó Bộ có Công văn hướng dẫn Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy chế thi ở các Hội đồng thi, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng không tốt đến việc làm bài của thí sinh, nhất là ở các Hội đồng coi thi có phòng thi Giáo dục thường xuyên, nghiêm cấm thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi. Tiếp tục triển khai trong toàn quốc việc tổ chức thi theo cụm trường, hạn chế tối đa việc tổ chức thi theo từng trường riêng lẻ, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi.
Cùng với sự chuẩn bị về cơ sở vật chất cho kỳ thi, các Hội đồng thi chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trường thi theo quy định của Bộ. Các Hội đồng thi sẽ phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn cùng với lực lượng bảo vệ nhà trường đảm bảo an ninh trật tự vòng ngoài trường thi, không để tình trạng mất an toàn trong các Hội đồng thi.
P.V: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn tổ chức chấm chéo giữa các Sở Giáo dục - Đào tạo đối với các môn thi tự luận, nhiều người lo lắng học sinh sẽ bị thiệt thòi nếu có tình trạng "chấm lỏng", "chấm chặt", đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này ?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 vẫn duy trì chấm chéo để bảo đảm khách quan theo tinh thần của Bộ. Bởi từ khi thực hiện phương thức chấm thi này (từ năm 2008 đến nay) cho thấy đã góp phần quan trọng đảm bảo tính chính xác, khách quan, hạn chế những tiêu cực. Trong đó, khi tổ chức chấm thi, các giám khảo đã phải học quy chế chấm thi, hướng dẫn chấm, đáp án và biểu điểm để vận dụng trong quá trình chấm bài thi. Đồng thời, trong khi thực hiện chấm chéo, các hội đồng chấm thi tại các Sở Giáo dục - Đào tạo thực hiện nghiêm túc quy chế, tổ chức chấm thi theo đúng hướng dẫn chấm và đáp án của Bộ nên đảm bảo chính xác, khách quan. Ngoài ra, trong quá trình chấm thi còn có sự tham gia giám sát các giám khảo chấm và tham gia chấm lại 15 - 20% số bài thi của thanh tra ở tỉnh ngoài do Bộ Giáo dục - Đào tạo cử đến nên hạn chế được việc chấm thiếu chính xác của giám khảo. Bên cạnh đó, để đảm bảo kết quả bài thi, thí sinh có quyền phúc khảo nếu thấy kết quả bài làm của mình chưa đúng, cho nên quy định chấm chéo này của Bộ hoàn toàn có cơ sở đảm bảo sự công bằng, khách quan đánh giá thực chất kiến thức của học sinh THPT.
P.V: Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi đại học, cao đẳng rất quan trọng đối với học sinh, công tác chuẩn bị cho kỳ thi này của ngành GD-ĐT tỉnh Ninh Bình được triển khai được triển khai như thế nào, thưa đồng chí ?
Đồng chí Trần Quang Ánh: Cùng với việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, ngay trong năm học Ngành đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh để các em tích lũy được kiến thức bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng tự tin hơn. Đầu tháng 3-2011, ngành đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2010, triển khai công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2011. Sau hội nghị, các nhà trường, các phòng GD-ĐT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã triển khai công tác tuyển sinh đến học sinh, tư vấn cho học sinh chọn thi vào các trường phù hợp với năng lực, hướng dẫn học sinh làm hồ sơ thi tại 43 cơ sở thu nhận hồ sơ tuyển sinh (gồm 27 trường THPT, 8 phòng Giáo dục - Đào tạo và 8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên) và Sở cũng đã phát hành sách, đề ôn luyện thi đại học, cao đẳng giúp cho học sinh tiếp cận gần với việc thi.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí !
(Thực hiện)
Hồng Vân