Cùng ông Vũ Văn Cường (xã Yên Thành, huyện Yên Mô), men theo con đường ngoằn ngòeo, chúng tôi về thăm lại nơi ở cũ của gia đình ông. Ngôi nhà cấp 4 nằm gọn dưới mỏm núi, sau nhà vẫn còn hàng chục khối đá bị sạt xuống từ đợt mưa năm ngoái. Ông Cường chia sẻ: 39 năm sống ở đây là 39 năm gia đình tôi sống trong lo sợ, bất ổn. Những ngày mưa bão, cảm giác như cả khối đá phía trên có thể đổ ập xuống nhà bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, gia đình làm ruộng, kinh tế khó khăn nên chúng tôi không thể tự di chuyển xuống nơi ở mới được. Đợt mưa lớn mùa hè năm ngoái, hàng chục khối đá trên núi lở xuống, súyt nữa rơi trúng nhà tôi. Sau lần đó, gia đình tôi thuộc diện di dời khẩn cấp, được xã cấp 240m2 đất tái định cư ở thôn La, đồng thời nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng từ chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai. Từ số tiền dành dụm, rồi vay mượn anh em, bạn bè, gia đình tôi cùng gia đình người con trai đã xây dựng ngôi nhà mới kiên cố rộng hơn 100 m2. Giờ đây sống trong căn nhà mới khang trang, thoáng mát, sức khỏe đảm bảo hơn, vợ chồng con cái yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Rời Yên Thành, chúng tôi ngược lên huyện Nho Quan, Gia Viễn thuộc vùng phân lũ, chậm lũ của sông Hoàng Long. Mùa mưa hàng năm, khu vực này thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, tài sản, tính mạng của người dân bị đe dọa. Ông Đinh Trọng Quờn, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan kể: Có năm lũ đổ về nhanh quá, thóc gạo, ti vi, đồ đạc không di chuyển kịp, hư hỏng hết, cuộc sống hết sức khó khăn. Được sự quan tâm của Nhà nước hỗ trợ tiền để nâng cấp nhà ở, nhờ vậy mỗi khi mưa gió gia đình cũng yên tâm hơn. Còn tại xã Cúc Phương, bà Đinh Thị Văn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn, thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của lũ quét, lũ ống, nên xã rất quan tâm, chú trọng thực hiện chương trình bố trí lại dân cư, đảm bảo cuộc sống cho nhân dân trong mùa mưa lũ, giảm tối đa những thiệt hại về người và tài sản. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã đã có 10 hộ được hỗ trợ để sửa sang nhà cửa, ổn định chỗ ở tại chỗ.
Ninh Bình là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mùa khô thì hạn hán, mùa mưa thì ngập úng. Nhiều vùng như Nho Quan, Gia Viễn còn phải đảm nhận vai trò phân lũ, chậm lũ. Do vậy, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thực hiện quy hoạch bố trí dân cư vùng thiên tai theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2013, Ninh Bình đã thực hiện quy hoạch bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu và bố trí dân cư cho gần 11 nghìn hộ. Trong đó, vùng đặc biệt khó khăn là 977 hộ, vùng cần di dời cấp bách là 285 hộ, vùng thường xuyên bị ngập lụt là 6.680 hộ, vùng ven biển huyện Kim Sơn là 2.152 hộ, phân tán tại các vùng khác có đời sống khó khăn là 852 hộ.
Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước và sự quan tâm phối hợp thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác bố trí ổn định dân cư trong tỉnh đã đạt được những kết quả tốt. Nhân dân vùng lũ đã chủ động trong việc phòng tránh thiên tai, giảm tối đa những thiệt hại về người và tài sản, thích nghi và sống chung với lũ. ở vùng đặc biệt khó khăn, bà con đã từng bước ổn định cuộc sống, cơ sở hạ tầng các khu dân cư được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới và kết hợp lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Từ năm 2013 đến giữa tháng 9/2018, toàn tỉnh đã ổn định tại chỗ cho 785 hộ và di dời 2 hộ ra khỏi vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai đến nơi an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Từ nay đến cuối năm, Ninh Bình có kế hoạch tiếp tục sắp xếp dân cư cho 191 hộ với mức hỗ trợ 10 triệu đồng cho các hộ ổn định dân cư tại chỗ và 20 triệu đồng/hộ đối với hộ di dời, để họ nâng cấp, sữa chữa và xây mới nhà ở. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch này, Chi cục sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến về chương trình ổn định dân cư đến các hộ dân trong các vùng dự án; đồng thời có văn bản thông báo đến các địa phương để tổ chức họp, bình xét các hộ. Sau khi thẩm định đánh giá lại, kinh phí sẽ được chuyển sớm đến các hộ dân có đủ điều kiện, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng và nhanh chóng.
Về những khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, bà Nguyễn Thị Thúy Hà chia sẻ thêm: Hiện nay, việc bố trí vốn theo nhu cầu bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh còn rất hạn chế. Cơ sở hạ tầng các khu dân cư đầu tư dàn trải, kéo dài, các dự án đầu tư phát triển sản xuất chưa được quan tâm thực hiện, do đó đời sống nhân dân chưa hết khó khăn. Bên cạnh đó, do quy hoạch bố trí ổn định dân cư giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 của tỉnh được thực hiện từ năm 2013 nên nhiều điểm không còn phù hợp. Chi cục đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đáp ứng nhu cầu thực tế của các địa phương.
Bài, ảnh: Hà Phương