Với xã hội, họ có thể là gánh nặng, là người thừa, nhưng khi vào đây họ đã được các cán bộ, thầy thuốc trong Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo bởi bàn tay khéo léo và trái tim nồng ấm tình người.
Trò chuyện với anh Phạm Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm, chúng tôi được biết: Hiện tại, Trung tâm có 214 bệnh nhân, trong đó có 141 nam, 73 nữ. Bệnh nhân cao tuổi nhất năm nay đã ngoài 70, người trẻ nhất cũng khoảng 17-18 tuổi. Con đường họ đến với Trung tâm cũng khác nhau. Người may mắn có gia đình đưa đến, người thì vào sau đợt thu gom ở bến xe, công viên, người lại bị người thân cố tình "bỏ rơi" trong bệnh viện. Nhiều người không còn biết tên mình là gì, quê quán ở đâu. Họ sống một cách bản năng, khi thì la hét, đập phá, khi thì trầm uất, hoang tưởng.
Với đối tượng phục vụ khá đặc thù như vậy, các cán bộ, thầy thuốc của Trung tâm luôn phải tâm niệm một điều: Hãy coi người bệnh như những người thân của mình. Vì chỉ có như thế họ mới có thêm sức mạnh, niềm tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xuống thăm các khoa, phòng, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Trung tâm đó là sự nền nếp, văn hóa. Mọi thứ đều được sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Đường đi lối lại sạch sẽ, thoáng mát và rợp bóng cây xanh. Nếu không bắt gặp những gương mặt ngây ngô, nói cười vô cớ thì thật khó hình dung đây lại là ngôi nhà của hàng trăm người bệnh tâm thần. Tùy theo mức độ bệnh tật, các bệnh nhân sẽ được bố trí ở những khoa khác nhau. Bệnh nhân nhẹ xếp vào khoa 1, bệnh nhân nặng xếp vào khoa 2, bệnh nhân nữ được bố trí ở khoa riêng, vì theo anh Lưu: Việc chăm sóc bệnh nhân nữ rất phức tạp, cần sự tỉ mỉ, tinh tế. Đôi khi họ cũng có nỗi niềm riêng muốn bộc bạch, do đó người thầy thuốc phải sẵn sàng nghe và chia sẻ, giúp họ vượt qua những trở ngại về tâm lý.
Các bệnh nhân thư giãn ở vườn hoa Trung tâm. Ảnh: PhạmTrường.
Hàng ngày, các bệnh nhân được phục vụ ăn 3 bữa, uống thuốc 2 lần. Mỗi lần ăn, uống được coi như một lần điểm danh. Từ việc quan sát cách ăn của bệnh nhân, các thầy thuốc đã nắm bắt được tình trạng sức khỏe của họ, bởi đặc thù của người bệnh tâm thần là bất hợp tác, không thừa nhận mình bị bệnh, do đó việc thu thập thông tin đối với các thầy thuốc chỉ có 1 chiều và để làm được điều đó chỉ còn cách là quan sát.
Cũng nhờ có sự quan sát, gần gũi với người bệnh mà các cán bộ, thầy thuốc ở đây đã hiểu được tính nết, sở thích, đặc điểm bệnh lý của từng bệnh nhân, trên cơ sở đó có biện pháp quản lý, điều trị phù hợp. Để đảm bảo sức khỏe người bệnh, khoa dinh dưỡng đã tổ chức phục vụ ăn theo chế độ bệnh lý. Thực đơn xây dựng theo tuần và được lãnh đạo Trung tâm ký duyệt. Bữa ăn luôn được thay đổi món và đảm bảo dinh dưỡng.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, các cán bộ trong khoa còn cùng với người bệnh tổ chức trồng rau, giải quyết cơ bản nhu cầu rau xanh tại chỗ. Nhiều năm qua Trung tâm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Những bệnh nhân mắc các bệnh khác được đưa về điều trị tại khoa điều trị tổng hợp. Trường hợp nặng được chuyển lên tuyến trên.
Ngoài việc chăm lo bữa ăn, điều trị bệnh, các cán bộ, thầy thuốc nơi đây còn phải trực tiếp giúp người bệnh làm vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh cá nhân như tắm, gội, giặt giũ, cắt tóc... Anh Lưu tâm sự: Công việc ở đây không hề đơn giản. Nếu thiếu trách nhiệm và tình thương với người bệnh thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Cũng qua câu chuyện với anh Lưu, chúng tôi được biết, anh cũng là một trong những người đã nhiều năm gắn bó với Trung tâm, từng làm công tác điều trị, nay được giao làm quản lý, hơn ai hết anh hiểu rõ ý nghĩa công việc mình đang làm. Anh vui khi người bệnh có những chuyển biến tốt về sức khỏe, biết chào hỏi, chuyện trò mỗi khi gặp thầy thuốc. Bởi với họ nơi đây thực sự là gia đình, là mái ấm của mình.
Thực hiện phương châm điều trị mở, Trung tâm còn chú trọng đưa các hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng vào quá trình điều trị. Hàng ngày, bệnh nhân được xem ti vi, tập thể dục, được quét dọn, nhặt cỏ vườn hoa, được hướng dẫn làm một số nghề đơn giản như: khâu nón, làm hàng cói, may mặc… Chính những hoạt động đó đã góp phần đưa người bệnh trở về trạng thái cân bằng tâm lý, phục hồi dần trí nhớ và chức năng đã mất. Hạn chế tình trạng bệnh nhân trốn viện, đánh nhau.
Đạt được kết quả trên, ngoài việc chú trọng xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, lãnh đạo Trung tâm còn luôn quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, thầy thuốc; phổ biến, triển khai các quy định về y đức, thường xuyên kiểm tra, uốn nắn những thiếu sót, khuyết điểm, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương người bệnh như người thân của mình.
Đặc biệt, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được Trung tâm triển khai nghiêm túc, bài bản, có sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ Cuộc vận động, mỗi cán bộ, thầy thuốc trong đơn vị đã có dịp nhìn nhận lại mình, điều chỉnh những thói quen, việc làm chưa phù hợp nhằm thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu".
Hà Trang