35 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến nước Nga vĩ đại nhưng những ấn tượng về đất nước, con người Nga vẫn luôn in đậm trong trái tim ông Đinh Ngọc Hà (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình). Năm nào cũng thế, những ngày đầu tháng 11, ông lại lật giở từng trang trong album ảnh đã nhuốm màu thời gian để sống lại với những ký ức thanh xuân của thời tuổi trẻ học tập tại xứ sở Bạch Dương tươi đẹp. Ông luôn coi nước Nga là quê hương thứ hai của mình với một tình cảm bền chặt, thủy chung. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện đầy thú vị, nhiều cung bậc cảm xúc với ông nhân kỷ niệm 103 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2020).
Nước Nga luôn trong trái tim tôi
Phóng viên (P.V): Ông có thể chia sẻ cơ duyên đưa ông đến với nước Nga?
Ông Đinh Ngọc Hà: Khi đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được nghe câu thơ: "Nước Nga có chuyện lạ đời/ Đem người nô lệ thành người tự do". Rồi đến khi đi bộ đội, được học các tác phẩm văn học Nga, không hiểu sao lúc nào tôi cũng có ước mơ sẽ có dịp được sang nước Nga Xô viết, quê hương Cách mạng Tháng Mười "lạ đời" ấy xem có tuyệt vời như trong sách vở hay không. Trong quá trình học tập, tôi đã nỗ lực để được cử đi học theo Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Liên Xô và Chính phủ Việt Nam. "Giấc mơ Nga" của tôi đã thành hiện thực khi mùa thu năm 1984, tôi đặt chân đến nước Nga vĩ đại, bắt đầu quá trình học tập tại Đại học Sư phạm Quốc gia Oryol, chuyên ngành tiếng Nga và Văn học. Tôi luôn coi việc được cử đi học tại nước Nga Xô viết thời điểm đó là hành trình đi tìm tri thức với nhiều kỷ niệm, dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời mình. Nước Nga đã và sẽ mãi mãi trong trái tim tôi với nhiều cảm xúc đẹp.
P.V:Nước Nga Xô viết thời điểm đó có "lạ đời" như những gì ông được kể, được đọc qua sách vở?
Ông Đinh Ngọc Hà: Tôi đến xứ sở bạch dương khi trời đang bắt đầu vào bước mùa thu, thiên nhiên lúc này như khoác lên mình tấm áo choàng rực rỡ. Điều đặc biệt là người dân Nga rất đôn hậu, cởi mở, nhân ái, đặc biệt luôn quý mến sinh viên Việt Nam với tinh thần ham học hỏi cầu tiến. Tôi đã cảm nhận thấy những đức tính ấy, tình cảm ấy ngay từ ngày đầu nhập học qua các thầy cô giáo. Họ luôn coi những sinh viên Việt Nam chúng tôi như ruột thịt.
Thời điểm những năm 84, 85 khi tôi nghiên cứu học tập tại Nga thì ở Việt Nam, cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì thế, đến với nước Nga lúc đó quả thật là "lạ đời", là thiên đường của xã hội chủ nghĩa. Đất nước thì rộng lớn, tươi đẹp; con người thì mến khách, yêu chuộng hòa bình. Mặc dù vậy, động cơ học tập của những người được Đảng và Nhà nước ta tin tưởng cử sang nước ngoài học tập như chúng tôi rất rõ ràng. Đó là đi học để về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Vì thế, sau này dù công tác ở vị trí nào, là giảng viên của Học viện Khoa học Quân sự hay cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Bình rồi sau này là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, tôi luôn tâm niệm cố gắng toàn tâm toàn ý để góp một phần nhỏ của mình để xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển.
Ông Đinh Ngọc Hà trò chuyện với phóng viên về những kỷ niệm trong thời gian học tập và sinh sống tại Nga. Ảnh: Trường Giang
P.V: Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về nơi ông đã từng học tập tại nước Nga Xô viết?
Ông Đinh Ngọc Hà: Nơi tôi sinh sống và học tập là thành phố Oryol nằm ở miền Trung nước Nga, cách thủ đô Moscow hơn 350km về phía Tây-Tây Nam, còn gọi là thành phố Đại Bàng. Con sông Oka, nhánh lớn nhất của sông Volga, bắt nguồn từ phía Bắc nước Nga lặng lẽ chảy qua thành phố Oryol yên bình. Mặt sông thường trong xanh phẳng lặng in bóng những tòa nhà, những rặng cây. Nhưng chính các bãi bồi, những bìa rừng cạnh sông Oka ấy lại là nơi chúng tôi thường xuyên tụ họp dịp cuối tuần và đó là nơi tôi ước mong được quay trở lại. Những cánh rừng bạch dương mênh mông thơ mộng bên bờ sông Oka là nơi khi đó tôi cùng các bạn trong Chi đoàn thanh niên người Việt Nam học tập tại Trường Đại học Sư phạm Quốc gia ở Oryol tổ chức giao lưu văn hóa, chia sẻ tình cảm, thắt chặt thêm tình đồng hương. Ngày ấy không có điện thoại thông minh như bây giờ nên chúng tôi tận dụng từng dịp gặp nhau để nói chuyện và trao đổi địa chỉ viết thư. Vì đã có 2 năm học tiếng Nga tại Việt Nam nên khi bước chân đến đây tôi không bỡ ngỡ nhiều và không mất thời gian để học tiếng. Tôi cùng bạn bè đã tự khám phá nước Nga, đặt chân đến nhiều địa danh nổi tiếng như Quảng trường Đỏ, Nhà hát lớn, Điện Kremlin…Mỗi nơi đi qua đều để lại trong tôi những ấn tượng về đất nước Nga rộng lớn, xinh đẹp.
P.V:Vậy về văn hóa, con người Nga, ông cảm nhận thế nào qua những năm tháng học tập nơi đây?
Ông Đinh Ngọc Hà: Những sinh viên theo học các trường thuộc lực lượng vũ trang như tôi khi đó cuối tuần mới được ra ngoài, mỗi tháng lại được tham gia một ngày thứ bảy lao động cộng sản. Chúng tôi được trường đưa đến các nông trang để thu hoạch hoa quả cùng những nông trang viên, những người nông dân chân chất. Chúng tôi hái táo, hái lê cùng các đoàn viên thanh niên, cùng hát những bài dân ca Nga. Nước Nga truyền cảm hứng cho tôi không chỉ qua ngôn ngữ mà còn qua các kỹ năng, tính cách, tâm hồn Nga. Dù nông dân Nga khi đó có công cụ lao động tốt hơn nông dân Việt Nam nhưng họ cũng lao động đổ mồ hôi, trồng trọt một nắng hai sương, gom sản phẩm đem bán lấy tiền. Họ lao động hết mình và biết trân quý thành quả lao động khi đến mùa thu hoạch. Nhân dân Liên Xô từng trải qua bao đau thương, mất mát, hy sinh trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945) để đi đến ngày chiến thắng. Bởi vậy, họ rất đồng cảm, yêu thương và sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ người dân nước ta. Cuộc sống nơi đất khách quê người cũng làm chúng tôi nhớ về quê hương, nhớ gia đình, người thân, nhất là trong những ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Nhưng nhờ sự giúp đỡ, động viên của các thầy cô và bạn bè, chúng tôi đã phần nào bớt cô đơn hơn.
Liên Xô khi đó đã dành ưu tiên đặc biệt cho những sinh viên Việt Nam qua việc chu cấp học bổng, nơi ăn chốn ở cùng điều kiện học tập tốt nhất. Thế nhưng, người dân Liên Xô cũng rất tiết kiệm. Đặc biệt người Nga luôn nở nụ cười trên môi mỗi khi tôi gặp họ. Đó là văn hóa và cũng là điều tôi ước mong được quay trở lại để thấy lại những nụ cười của người dân Nga.
Ông Đinh Ngọc Hà và bạn bè tại Đại học Sư phạm Quốc gia Oryol. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.
P.V:Chỉ ước mong được thấy lại nụ cười Nga, ông có thể nói về kỷ niệm sâu sắc nhất của mình tại xứ sở Bạch Dương xinh đẹp này?
Ông Đinh Ngọc Hà: Kỷ niệm tôi nhớ nhất khi học tập tại Liên Xô là được tham gia diễu binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười năm 1984. Tất cả các thành phố trên đất nước đều hướng về sự kiện này, mọi người từ các ngả đường đều về trung tâm thành phố để nghe đọc diễn văn ôn lại giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, tri ân những anh hùng liệt sỹ đồng thời nêu bật sự vĩ đại của nước Nga Xô viết. Lúc đó tôi không có cảm giác mình là người ngoại quốc mà hòa vào dòng người, cùng chung niềm tự hào như những người dân Nga. Có lẽ bởi có sự đồng vọng giữa Cách mạng Tháng Mười Nga với Cách mạng Tháng Tám của chúng ta, cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Điều đặc biệt là ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười 7/11 ở Nga thường là ngày tuyết rơi đầu mùa. Những sinh viên như chúng tôi đêm đó đã có một đêm trắng vì lần đầu tiên được nhìn thấy tuyết, ai cũng háo hức, đưa tay ra để bông tuyết đầu mùa rơi vào lòng bàn tay mình. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi vẫn luôn mong muốn được quay trở lại nước Nga, một nơi sâu nặng ân tình với không chỉ riêng tôi mà nhiều người Việt Nam.
P.V:Và mong ước đó đến giờ ông đã hiện thực hóa được chưa?
Ông Đinh Ngọc Hà: May mắn là trong thời gian công tác, tôi đã có lần thứ 2 được đến Nga, quay lại xứ sở bạch dương vào năm 2015, theo đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình. Nước Nga đã thực sự thay đổi so với 30 năm trước tôi theo học nhưng bản lĩnh Nga, trí tuệ Nga, văn hóa Nga, con người Nga thì vẫn không thay đổi. Có một điều mà tôi thấy rất đặc biệt tại Nga, đó là hầu hết tại tất cả các thành phố ở Nga đều có quảng trường với "Ngọn lửa bất tử". Ngọn lửa đó bất tử như chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu chuộng hòa bình vẫn luôn sục sôi trong trái tim người Nga, từ Cách mạng Tháng Mười cho đến tận bây giờ.
2 năm học tập ở xứ sở bạch dương mãi là một ký ức đẹp trong tâm trí tôi. Hy vọng một ngày nào đó, tôi được quay lại nước Nga, quay lại thành phố Đại Bàng để có thể một lần nữa chạm vào những ký ức tươi đẹp của một "thời thanh niên sôi nổi".