Mồ côi tội lắm ai ơi... Run run thắp nén nhang cho người chồng đã tử nạn vì TNGT đường sắt trên địa bàn xã Ninh An (Hoa Lư) cách đây đã hơn 5 năm nhưng chị Nguyễn Thị Hương (Phường Thanh Bình, Thành phố Ninh Bình) vẫn không dấu nổi những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đã héo hon vì tuổi tác, vì nhọc nhằn và trên hết là nỗi đau mất chồng. Căn nhà 1 tầng nằm giữa thành phố nhưng vẫn trống vắng, lạnh lẽo, buồn đến nao lòng. Chị nhớ lại giây phút kinh hoàng khi nhận được tin chồng bị tử nạn do bị tàu đâm: bàng hoàng, xót xa không tin được đó là sự thật. Chị đã nuốt nước mắt vào trong để bươn trải nuôi 2 con, 1 đứa học đại học, 1 đứa học THCS chỉ với đồng lương ít ỏi hơn 3 triệu đồng/tháng. Chị giàn giụa nước mắt: Mất chồng, gia đình mất đi trụ cột cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng khổ nhất vẫn là bọn trẻ con. Mồ côi tội lắm. Chính vì vậy mà tôi luôn phải gồng mình, tỏ ra cứng rắn để các con có chỗ dựa. Vừa đảm trách vai trò chăm sóc của người mẹ, vừa dạy bảo con cái như một người cha, lại phải lo toan vun vén cho các con ăn học nhưng cứ đêm về chị lại đau đáu nhìn lên di ảnh chồng, nhớ lại thời xưa khi còn có anh... Đang trong câu chuyện nghẹn ngào với chúng tôi thì cậu con trai cả của chị bước vào. Cháu đã tốt nghiệp Đại học, hiện đang làm cho một văn phòng luật sư của tỉnh. Cháu kể với chúng tôi về sự hẫng hụt khi bố mất, về những nhọc nhằn khi ngày đi học tối làm thêm đến 1, 2 giờ sáng để phụ giúp mẹ...Trong ánh mắt của cậu thanh niên này khi nhìn lên bàn thờ bố, nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai.
Đang ngồi trò chuyện thì tôi nhận được điện thoại của người bạn cùng lớp thông báo: Vợ Long mất vì tai nạn tàu, tối lớp tập trung đi viếng... Một sự trùng hợp đau lòng, lại TNGT. Tối hôm đó tôi đến dự đám ma vợ người bạn học cùng THPT, Phạm Ngọc Long (Phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) hiện đang công tác tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh. Cũng chỉ vì vội để kịp bữa ăn của đứa con chưa đầy 1 tuổi mà cô vợ trẻ trung, đẹp người, đẹp nết của Long đã mãi mãi ra đi. Trong đám ma, ngoài những giọt nước mắt của người thân, bạn bè, tôi bị ám ảnh bởi sự thơ ngây đến xót xa của 2 đứa trẻ tội nghiệp (1 cháu 4 tuổi, 1 cháu chưa đầy 1 tuổi). Chúng chưa đủ lớn để biết mẹ đã mất và đến khi lớn lên rồi thì liệu có còn nhớ mặt mẹ hay chỉ là qua di ảnh. Mồ côi tội lắm, nhất là bọn trẻ còn nhỏ tuổi quá. Bố của 2 đứa trẻ thì không thể khóc bởi nỗi mất mát quá lớn, quá đường đột. Sau cái chết của vợ, ngày nào Long cũng phóng xe máy sang ý Yên, ngồi bên mộ vợ cả đêm với nỗi nhớ nhung khôn xiết, với những giọt nước mắt lặng thầm của người đàn ông. Và rồi trong một đêm khi đi xe máy từ mộ vợ về nhà, Long đâm vào ô tô, bị gãy xương đòn, xương quai xanh, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thế là 2 đứa con thơ phải đưa về nhờ ông bà ngoại ở tận Nghệ An chăm sóc. Nỗi đau chồng chất nỗi đau...
Ám ảnh cả cuộc đời
Đó là những giọt nước mắt day dứt, ân hận của những người đã từng một phút sao nhãng gây ra TNGT cho người khác. Chỉ vì phút bất cần mà họ mang theo nỗi ám ảnh tội lỗi suốt cả cuộc đời.
Năm 2007, anh Nguyễn Văn Ninh (xã Khánh Trung, Yên Khánh) đã điều khiển xe công nông đầu dọc chở cát (thời điểm đó loại xe này đã bị cấm sử dụng) đâm vào anh Trần Văn H. khiến cho anh H. chết ngay tại chỗ. Gia đình làm nông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng anh đã phải thế chấp, vay mượn để bù đắp một phần nào mất mát cho gia đình nạn nhân. Mặc dù đã đền bù theo thỏa thuận và không bị truy tố nhưng từ khi gây ra tai nạn thương tâm đó đến bây giờ anh Ninh vẫn luôn day dứt, anh nhớ lại: Hôm đó tôi có uống chút rượu, trời lại tối nên đến đoạn đường cua không quan sát kỹ, vô tình gây ra cái chết cho anh H. Nhà anh H. có hoàn cảnh rất đáng thương: Vợ ốm yếu quanh năm, 2 đứa con còn nhỏ dại, anh là lao động chính trong nhà. Chính vì thế tôi càng thấy mình có tội lớn vì đã cướp đi mạng sống của bố 2 đứa trẻ. Từ đó đến giờ, mặc dù không phải khá giả nhưng hàng tháng anh Ninh vẫn chu cấp một khoản tiền nhỏ cho vợ con anh H. để trang trải cuộc sống. Anh bảo tai nạn đó ám ảnh anh đến mức có những đêm anh mơ thấy anh H. về, gọi tên anh; có những lúc chập chờn giấc ngủ trưa thì hình ảnh kinh hoàng của buổi tai nạn lại ùa về. Anh luôn sống trong mặc cảm tội lỗi và luôn ao ước giá như trước khi cầm lái anh không uống rượu, giá như anh tuân thủ không sử dụng phương tiện quá cồng kềnh đi tốc độ cao...
Sự hối hận muộn màng của anh Ninh, nỗi đau chưa khi nào nguôi ngoai của chị Hương, anh Long chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi chúng tôi trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Có không ít gia đình, nỗi đau nối tiếp nỗi đau khi người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh rồi vì quá đau buồn cũng ra đi mãi mãi; không ít em bé sinh ra không biết mặt cha và biết bao đứa trẻ lớn lên không thể hình dung ra khuôn mặt mẹ. Có những người sống cả đời thực vật chỉ vì "nhanh một phút để chậm cả đời"... Với mỗi chúng tôi, niềm xót thương cho những số phận ấy cứ đeo đẳng mãi.
Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả của các ngành hữu quan trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng CSGT, tình hình TNGT 8 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh xảy ra 121 vụ TNGT, làm chết 36 người, bị thương 93 người, so với cùng kỳ năm 2013 tiếp tục giảm về số người chết, giảm số người bị thương và cũng liên tục 11 năm liền TNGT trên địa bàn tỉnh đều giảm qua các năm. Tuy nhiên địa điểm, thời gian, độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của các TNGT không có gì thay đổi. Thế nên, điều cốt lõi để giải quyết vấn nạn TNGT không chỉ của các cơ quan chức năng mà thuộc về chính ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, phần đường, lạng lách, đánh võng, qua đường không quan sát, không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng qui cách, vượt đèn đỏ, uống rượu, bia điều khiển phương tiện... là những lỗi vi phạm phổ biến của người tham gia giao thông hiện nay, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên. Hậu quả của những vụ tai nạn giao thông không chỉ là những con số thương vong, phía sau đó là những giọt nước mắt muôn hình vạn trạng, là những bi kịch không thể lường hết với mỗi gia đình. "Phía trước tay lái là sự sống"; "Hãy lái xe bằng cả trái tim"; "Nói không với rượu bia khi lái xe"; "Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô gắn máy"... là những khẩu hiệu, lời kêu gọi không bao giờ thừa để "An toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi"...
Đức Minh