Núi Non Nước là một ngọn núi rất đẹp, rất nên thơ. Bóng núi lung linh sớm chiều soi trên dòng nước ngã ba sông. Trên đỉnh núi xưa có ngọn tháp Linh Tế cao vút, được xây dựng năm 1091, sau có bài " Linh Tế tháp ký" nổi tiếng của Trương Hán Siêu. Khi Trương Hán Siêu về ở ẩn, núi còn được xây dựng một Nghinh Phong Các (Lầu đón gió) để ngày ngày cụ lên núi ngắm cảnh, đọc sách, ngâm thơ. Dưới chân núi còn có Chùa thờ Phật, có động Địa Phủ, Thủy Phủ thờ thần, có Điếu Đài (Bến ngồi câu của cụ Trương). Chính vì thế núi Non Nước luôn được đón các tao nhân mặc khách, các văn nhân, thi sỹ … và nhiều bậc vua chúa đến thăm thú, vịnh cảnh đề thơ. Đặc biệt núi Non Nước còn là nơi gắn bó với những năm cuối đời của Trương Hán Siêu.
Trương Hán Siêu (? - 1354) tự là Thăng Phủ, hiệu Độn Tẩu (Ông già trốn đời). Cụ là môn khách của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, sau được tiến cử vào triều, làm tới Hàn Lâm học sỹ và nhiều chức tước quan trọng trong triều Trần. Cụ là người tham gia cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285) và thứ 3 (1287-1288). Năm 1353 cụ được cử cầm quân đi trấn giữ Hóa Châu (Thừa Thiên - Huế ngày nay ) khi đã trên 80 tuổi. Tháng 11-1354 trở về chưa đến triều thì cụ đã mất. Khi mất cụ còn được triều đình 3 lần truy phong những chức tước cao đến như Thái Bảo, Thái Phó và được thờ ở Văn Miếu. Cụ là nhà chính trị, nhà thơ nhà sử học danh tiếng, học thức sâu rộng, được các vua Trần luôn tôn gọi là Thầy. Cụ là tác giả thiên hùng văn bất hủ "Bạch Đằng giang phú". Ngoài văn thơ cụ còn soạn sử, như " Hoàng triều đại điển" và "Hình thư" soạn chung với Nguyễn Trung Ngạn…. Cụ là người đặt tên cho núi là "Dục Thúy sơn" (Ví như con chim trả), xây Nghinh Phong Các, khắc bài thơ đầu tiên lên vách núi, khai sinh nghệ thuật khắc thơ núi đá…
Còn có điều đặc biệt nữa mà hậu thế chắc nhiều người ít biết đến là hoa Sơn kim cúc (Hoàng Hoa) trên đỉnh núi Thúy cũng chính do cụ lấy từ Bích Động (Nam Thiên đệ nhị động) đem về trồng, làm cho cảnh sắc núi sông đã đẹp lại càng thêm đẹp, thêm thơ. Sơn Kim Cúc là một loài cúc vàng, cánh nhỏ dùng làm thuốc chữa đau mắt rất hiệu nghiệm…
Ngày ngày cụ chăm chút và say ngắm hoa cúc. Nếu Cao Bá Quát "Suốt đời chỉ bái lậy hoa mai" thì có lẽ cụ Trương cũng chỉ có quý hoa cúc hơn cả. Sớm chiều hoa cúc trên đỉnh núi với cụ như bầu bạn tâm giao trong lúc đơn côi lẻ bóng. Cụ đã viết " Cúc hoa bách vịnh" để ngợi ca hoa cúc và gửi gắm nỗi lòng mình - nỗi lòng của một ông già " Độn Tẩu". Nỗi lòng cụ lúc ấy lại vô cùng buồn sầu, u uẩn trước cảnh triều đình ngày một suy vì. Vua Dụ Tông thì không còn mấy chăm lo việc triều chính, việc dân nước. Hào khí Đông A cũng ngày một dần nhạt nhòa. Quan lại nhũng nhiễu đến nỗi Chu Văn An phải dâng "Thất trảm sớ " rồi cũng lui về Chí Linh vui với việc dựng trường, mở lớp .
Ngày ngày cụ chăm chút cho từng khóm cúc, nhành hoa :
Vũ dư khai phố di căn chủng
Sương hậu tuần ly trích nhị thu
Mạc đạo u nhân hồn lãn tán
Nhất niên mang sử thị thâm thu.
( Mưa tạnh ra vườn tỉa gốc trồng/Sương gieo quanh giậu lượm từng bông / Chớ rằng nhàn ẩn nên lười nhác/Bận rộn khi ngày sắp cuối đông- Đào Phương Bình dịch thơ ).
Có lúc nhìn trời gió mưa cụ lại thêm buồn mà than thở:
Nhất thu đa vũ hựu đa phong
Khởi ý thu hoa thượng mãn tùng
Ưng thị thiên công linh lãnh lạc
Cổ lưu hàn nhị bạn suy ông.
( Trời thu lắm gió lại nhiều mưa/Khóm trĩu hoa thu thật chẳng ngờ/ Tạo hóa phải chăng thương quạnh vắng/Dành bông hoa lạnh tặng già nua - ĐPB dịch thơ).
Khi ở xa, cụ vẫn luôn canh cánh một nỗi nhớ về hoa cúc trên đỉnh núi:
Trùng dương thời tiết kim triêu thị
Cố quốc hoàng hoa khai vị khai?
Khước ức cầm tôn tiền nhật nhã
Kỷ hồi tao thủ phú quy lai.
(Sớm nay vừa tiết trùng dương/Chẳng hay quê cũ hoa vàng nở chưa/Rượu đàn chạnh nhớ thú xưa/Vò đầu mấy bận làm thơ "đi, về" - Huệ Chi dịch thơ ).
Có lúc lại thiếu thốn làm cụ càng buồn thêm nỗi cô đơn. Khi có hoa lại thiếu rượu. Khi có rượu lại không hoa. Cụ ngắm nhìn hoa cúc mà lại càng thêm sầu:
Khứ niên kim nhật hữu hoa đa
Đối khách sầu vô tửu khả xa
Thế sự tương vi mỗi như thử
Kim triêu hữu tửu khước vô hoa.
(Ngày này, năm ấy hoa đương độ/Không rượu ngồi suông khách với ta/Trái ngược việc đời thường vẫn thế/Hôm nay có rượu lại không hoa - Nhóm Lê Quý Đôn dịch thơ).
Rồi người đi, hoa cũng theo đi. Từ đó du khách, thi nhân đến thăm Non Nước, tuy vẫn vui đọc thơ trên vách núi, say với cảnh "Non Nước bồng lai" …nhưng lòng vẫn bồi hồi nhớ đến cụ Trương và sắc cúc vàng trên núi, nhất là những dịp sen tàn, cúc nở. Quả là một nét đẹp riêng hiếm có nữa của núi Thúy.
Thanh Thản