Thôn Ngọc có tới 90% dân số là đồng bào dân tộc, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Minh chứng rõ nhất là trong những năm trước đây đã có không ít người rời bỏ quê hương, ruộng đồng để đi làm ăn xa, thậm chí là đi nước ngoài. Nhưng hiện nay đã có rất nhiều người bắt đầu trở về gắn bó với đồng đất quê hương khi diện mạo của thôn bản từng ngày đổi mới với các mô hình làm ăn hiệu quả, các loại cây trồng, con nuôi phù hợp…
Chị Bùi Thị Lưu là một trong những cán bộ ở địa phương đã góp phần tích cực mang đến sự đổi thay này. Những năm trước đây, như nhiều hộ dân trong thôn, cuộc sống của gia đình chị cũng rất khó khăn, do thu nhập chỉ trông chờ vào vài sào ruộng, chăm chỉ lao động cũng chỉ đủ lương thực để ăn. Sau nhiều lần trăn trở trồng cây gì, nuôi con gì để cuộc sống gia đình bớt khó khăn và với trách nhiệm là một cán bộ làm thế nào để giúp bà con phát triển kinh tế, năm 2009, chị Lưu đã mạnh dạn cải tạo diện tích cấy lúa kém hiệu quả để trồng 2 sào ớt xuất khẩu. Chị là một trong những người tiên phong đưa loại cây trồng này về địa phương nên đã gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ.
Nhưng chị nghĩ nếu thành công sẽ mở hướng làm ăn mới cho bà con vì khi nhìn thấy hiệu quả bà con sẽ chủ động làm theo, điều này có tác dụng hơn nhiều lần so với việc chỉ đi tuyên truyền, vận động bằng miệng. Trong quá trình sản xuất, được Công ty TNHH ớt Việt Nam hỗ trợ phân bón, chuyển giao KHKT, thực hiện đúng quy trình và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là bệnh đốm quả, sâu đục quả, do vậy năm đầu trồng thí điểm cây ớt gia đình chị đã có thu nhập trên 20 triệu đồng.
Theo chị Lưu, thời vụ trồng ớt, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4, chỉ cần sau 2 tháng chăm sóc đã thu hoạch được lứa đầu, từ lứa thứ 2 cứ sau 10 ngày có thể thu hoạch, năng suất đạt 100kg/lứa/sào. Như vậy trừ chi phí, ước tính gia đình chị sẽ thu lãi gần 10 triệu đồng/sào/vụ. Từ thành công bước đầu này, năm 2014, chị Lưu tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt và trồng thí điểm trồng thêm 2 sào bí đỏ.
Đến lúc này khi đã nắm chắc về kỹ thuật trồng trọt, tìm được đầu ra cho sản phẩm và thu được hiệu quả rõ rệt, chị Lưu mới tổ chức hướng dẫn và giúp đỡ bà con trong thôn chuyển đổi sản xuất theo hướng thâm canh tăng vụ để nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác.
Từ hộ đầu tiên ở thôn Ngọc trồng ớt xanh xuất khẩu, đến nay trong thôn đã có 50 hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng ớt và bí đỏ, là thôn đi đầu về thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương. Nhờ đó, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Đào Duy