Cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh được thực hiện tốt, dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng gia súc nhanh chóng được khống chế và không để tái phát. Cơ sở hạ tầng được tăng cường, các công trình thủy lợi được xây dựng củng cố vững chắc hơn, các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện có hiệu quả. Trong nông thôn có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần cải hiện và nâng cao đời sống của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày một giàu, đẹp, văn minh hơn...
Những kết quả đạt được trong nông nghiệp, nông thôn:
- Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, ngư nghiệp tăng hàng năm từ 4 - 5%, năm 2006 đạt 7,5%.
- Giá trị sản xuất trên một ha canh tác năm 2006 đạt 29,2 triệu đồng, tăng 3,9 triệu đồng so với năm 2000.
- Sản lượng lương thực có hạt năm 2006 đạt 48,4 vạn tấn, tăng gấp 2,5 lần so với sản lượng lương thực năm 1991.
- 65,3% số hộ nông dân dùng nước sạch và nước sinh hoạt (năm 2006).
- Sản lượng lương thực bình quân năm 2006 đạt 526 kg/người, gấp 2 lần so với sản lượng lương thực năm 1991.
- Thực hiện kiên cố hóa kênh mương đến năm 2006 đạt 67,3%.
- Tỷ lệ đường nông thôn được cứng hóa, bê tông hóa đạt 90%.
Những thành tựu đạt được qua 15 năm xây dựng và phát triển:
Sản xuất lương thực giành thắng lợi lớn:
- Năm 1991, từ một tỉnh thuần nông, hàng năm đều thiếu lương thực, đã vươn lên đảm bảo an ninh lương thực và có sản phẩm hàng hóa. Năng suất, sản lượng lúa và cây trồng liên tục tăng cao. Năng suất lúa 2 vụ năm 2006 đạt 115,76 tạ/ha, tăng gấp 1,5 lần so với năm 1991; sản lượng lương thực năm 2006 đạt 48,4 vạn tấn, tăng gấp 2,5 lần so với năm 1991. Năng suất cây ngô tăng 30%, năng suất cây lạc tăng 39%, năng suất đậu tương tăng 35%.
- Sản xuất vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Năm 2006, diện tích cây vụ đông đạt trên 14.000 ha, tăng 6.000 ha so với năm 2000, tăng gấp 7 lần so với năm 1992.
Diện tích cây công nghiệp phát triển, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn liền với cơ sở chế biến tiêu thụ: Dứa 3.200 ha; Lạc 5.500 ha; Đậu tương 3.000 ha; cói 500 ha.
Chăn nuôi phát triển cả về số lượng và quy mô đàn gia súc, hình thành các trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp. Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được thực hiện tốt:
Số lượng đàn bò năm 2006 là 59.611 con, tăng gấp 3 lần so với năm 1991.
Đàn lợn năm 2006 là 360.596 con, tăng gấp 2,24 lần so với năm 1991.
Đàn gia cầm năm 2006 là 2,8 triệu con, tăng gấp 2,54 lần so với năm 1991.
Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2006 đạt 29.653 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 1991.
Thủy sản phát triển nhanh, nhất là vùng ven biển Kim Sơn và vùng trũng Nho Quan, Gia Viễn. Sản lượng thủy sản năm 2006 đạt 17.845 tấn, tăng gấp 11,5 lần so với sản lượng thủy sản năm 1991. Hình thành vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ ven biển Kim Sơn. Diện tích nuôi tôm sú năm 2006 đạt 2.184 ha.
Phong trào trồng cây, trồng rừng đạt kết quả khá tốt, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng lên 26%, thực hiện có kết quả việc chuyển đổi rừng phòng hộ kém xung yếu sang rừng sản xuất.
Rừng mới trồng được trên 8.500 ha. Trồng cây phân tán được 15 triệu cây.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp nông thôn được thực hiện tích cực, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa.
Trong 15 năm, chuyển đối được 10.150 ha đất có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây, nuôi con có hiệu quả cao hơn. Riêng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản đạt 6.000 ha.
Hợp tác xã nông nghiệp được củng cố và nâng cao. Hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa để tập trung ruộng đất phát triển sản xuất hàng hóa. Các doanh nghiệp nông nghiệp được cổ phần hóa, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
Cơ sở vật chất hạ tầng được tăng cường phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đê điều được củng cố vững chắc hơn, các công trình về: Thủy lợi và nước sinh hoạt được xây dựng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ cho việc phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Các chương trình dự án mục tiêu quốc gia được thực hiện tích cực, có hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.
Ngành nghề trong nông thôn phát triển, đã hình thành các làng nghề sản xuất hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Các hình thức khen thưởng cao nhất từ năm 1996 đến nay:
- Huân chương Độc lập hạng Ba,
- Một huân chương Lao động hạng Nhất.
- Ba Huân chương Lao động hạng Hai.
- Bảy Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể và cá nhân.
- Chính phủ tặng 1 cờ luân lưu và 3 cờ thi đua xuất sắc cho Sở Nông nghiệp và PTNT.
Từ những năm tới, từ năm 2007 đến 2010, ngành nông nghiệp nông thôn Ninh Bình tiếp tục phát huy những thành tích, kinh nghiệm đã đạt được trong những năm qua. Tập trung sức phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ nông sản với mức tăng trưởng hàng năm từ 4 - 5%, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn mạnh mẽ hơn. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa. Từng bước phát triển sản xuất vụ đông thành vụ sản xuất chính gắn với phong trào thi đua xây dựng cánh đồng thu hoạch đạt giá trị 50 - 100 triệu đồng/ha/năm, hộ có thu nhập 50 triệu đồng/năm, đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn để xây dựng ngành Nông nghiệp nông thôn Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững, hiệu quả hơn trong thời kỳ đổi mới...
An Quang Vịnh