Nền tảng tốt để hội nhập
Trong "dòng chảy hội nhập", đối với Ninh Bình, những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh, nông nghiệp Ninh Bình đã có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, bảo đảm an ninh lương thực, từng bước đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp ngày càng tiên tiến; tổng giá trị của ngành có sự tăng tưởng liên tục qua các năm.
Ông Bùi Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong 5 năm gần đây, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hàng năm tăng 2%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2014 đạt 7.924 tỷ đồng, tăng 1.358 tỷ đồng so với năm 2010. Lĩnh vực trồng trọt năm 2014 đạt 4.647 tỷ đồng, tăng 153 tỷ đồng so với năm 2010. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản năm 2014 đạt 1.007 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng so với năm 2010. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi năm 2014 đạt 1.891 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng so với năm 2010….
Cũng trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã triển khai 343 mô hình phát triển sản xuất, nhân rộng 82 mô hình tốt, trong đó có nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: Chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất đa canh ở xóm 13, xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh); xóm 8, xã Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn); mô hình chăn nuôi gà đồi ở các xã Cúc Phương, Gia Lâm (huyện Nho Quan); mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh ở các xã Gia Phương, Gia Xuân (huyện Gia Viễn)…, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2014 còn 3,92%, giảm 7% so với năm 2010…
Những kết quả nêu trên có thể coi là nền tảng tốt để nông nghiệp Ninh Bình hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động, hiệu quả…
Vẫn cần nhiều nỗ lực
Cũng theo ông Bùi Xuân Diệu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, hạn chế của sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta là phát triển nhưng vẫn chưa bền vững, hiệu quả thấp, đa số sản phẩm chưa gắn với chế biến và tiêu thụ; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, chưa mạnh mẽ, mô hình còn hạn chế; tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, hệ thống thị trường nông sản còn nhỏ bé, chưa có sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh... Do đó, muốn đủ sức hội nhập kinh tế quốc tế, để nông nghiệp Ninh Bình tiếp tục phát triển nhanh, bền vững cần rất nhiều nỗ lực.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tiêu thụ nông sản cho nông dân. Lấy thị trường làm nền tảng và phát triển mở rộng thị trường, tăng cường công tác dự báo thị trường để sản xuất sản phẩm phù hợp với yêu cầu, đảm bảo ổn định lâu dài. Đồng thời thu hút, tăng tỷ trọng nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp, ứng dụng nhanh khoa học công nghệ trong sản xuất, trong đó tăng tỷ trọng vốn đầu tư vào phát triển các ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển cây trồng có giá trị cao và sử dụng đồng vốn có hiệu quả. ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Tổ chức lại các hình thức sản xuất ở nông thôn, trong đó củng cố và phát triển kinh tế HTX theo hướng HTX chuyên ngành; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, nhân rộng các điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi. Tiếp tục đổi mới quản lý ngành lâm nghiệp theo hướng giao đất, khoán rừng cho hộ gia đình và cộng đồng, tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống cháy rừng.
Bên cạnh đó, phát triển hoàn thiện một bước các làng nghề truyền thống, đặc biệt là những làng nghề gắn với vùng du lịch và tạo ra hình thức du lịch làng nghề phục vụ du lịch. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong đầu tư và sản xuất. Ưu tiên lồng ghép thực hiện các đề án nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện tốt các mô hình phát triển sản xuất, tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn và phát triển nông nghiệp toàn diện…
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh rà soát các thủ tục hành chính để tối giản các thủ tục, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông thôn như: Tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ về giống, vật tư thiết bị trong sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tạo mặt bằng, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để hai bên cùng có lợi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất cũng như kết nối công nghệ thông tin trong nông nghiệp để đưa doanh nghiệp đến gần người dân hơn n
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm