Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hiện nay, rác thải nhựa đang là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Rác thải nhựa và túi ni-lông xuất hiện ở mọi nơi và đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe của con người. Trước thực trạng đó, bắt đầu từ tháng 7/2019, Hội Nông dân tỉnh xây dựng mô hình điểm cửa hàng "Nông sản an toàn Sông Vân", sử dụng các sản phẩm nông sản, thực phẩm được đóng gói bằng các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải, túi lưới sử dụng nhiều lần, túi ni-lông tự hủy, các loại hộp sứ... để từng bước thay thế túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Sau khởi đầu thuận lợi với sự hưởng ứng tích cực từ chủ cửa hàng cũng như đông đảo khách hàng, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến hệ thống cửa hàng nông sản an toàn trong toàn tỉnh và 60 mô hình nông sản an toàn về tác hại của túi ni-lông; vận động các cửa hàng, các chủ cơ sở sản xuất sử dụng vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường để gói, đựng hàng hóa.
Gần đây nhất, phong trào này tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh triển khai tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư - nơi du lịch đang phát triển mạnh mẽ, đồng thời cũng đang bộc lộ những tác động không nhỏ tới môi trường sống. Nằm ngay tại trung tâm của Bến thuyền Tam Cốc- Bích Động, Cửa hàng thêu Minh Trang và Nhà hàng Chay Buddha Belly mỗi năm tiếp đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, hai cửa hàng đã đầu tư thay thế một số dụng cụ gần gũi, thân thiện với môi trường như: túi vi sinh tự phân hủy; khay, hộp đựng thức ăn bằng lá chuối, mo cau, gỗ; ống hút bằng tre,… tạo cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng cho người dùng. Một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc làm này mang ý nghĩa rất lớn đối với môi trường sống, đồng thời cũng tạo nên những nét riêng và thú vị của du lịch Ninh Bình.
Theo anh Lê Duy Thiện, chủ nhà hàng chay Buddha Belly: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng chọn các khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ, hàng hóa bền vững, có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường. Họ có ý thức và nhu cầu cao về an toàn, về sức khỏe và ngày càng có nhiều người muốn quay về với thiên nhiên. Vì vậy, đầu tư kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường thực sự là điều cần thiết và cấp bách hiện nay. Từ khi được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ chuyển đổi hình thức kinh doanh, gắn biển "Điểm du lịch thân thiện với môi trường", chúng tôi được khách du lịch biết đến nhiều hơn và yêu thích hơn.
Đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hội mong muốn từ điểm dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường này sẽ là nơi kết nối các điểm bán hàng, điểm du lịch khác trên địa bàn huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung, góp phần xây dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn và thân thiện với du khách. Việc làm này không chỉ tác động tích cực tới những người kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực du lịch mà còn tạo thói quen tốt cho du khách khi đi du lịch, hạn chế việc xả rác, nước thải bừa bãi hay có các hành vi gây ô nhiễm môi trường du lịch.
Với những cách làm sáng tạo, tin tưởng rằng phong trào "Nông dân Ninh Bình nói không với chất thải nhựa dùng một lần và túi ni-lông" sẽ ngày càng đi vào thực chất, có tác động tích cực, bền lâu trong cộng đồng.
Đào Duy