Cảm giác đầu tiên khi đọc "Trăng ẩn" của Lê Công là: Nơi nào người thơ đi qua là nơi ấy có nỗi niềm để lại. Dọc chiều dài đất nước, từ "Chợ tình" Khâu Vai đến "Bình minh Phú Quốc", những tên đất, tên người đều gợi thương gợi nhớ:
Nơi đây không bán chẳng mua
Mang tên chợ tự bao giờ khâu Vai?
Nơi giao thoa giữa đất trời
Vai chen vai ánh mắt cười trao nhau.
Nhưng lần giở từng trang thơ, đọc kỹ từng bài ta sẽ thấy những tên đất, tên người nhiều khi chỉ là cái cớ để người thơ gửi gắm tình cảm, và chia sẻ tâm tình, gợi kí ức về một thời đã qua, và những trăn trở, ưu tư với hiện tại, tương lai. Tất cả những nỗi niềm ấy, đều được Lê Công hoán chuyển khá nhuần nhuyễn trong những đứa con tinh thần của mình.
Từng là người lính chinh chiến trên khắp các chiến trường, nơi danh giới giữa sự sống và cái chết chỉ gang tấc, hơn ai hết Lê Công hiểu rõ cái giá của cuộc sống hôm nay phải đổi bằng máu xương, của bao đồng chí đồng đội, của: Triệu triệu anh linh/ Đã vì hồi sinh đất nước. Từ sâu thẳm đáy lòng, ông tâm niệm đó là "Những điều không thể quên":
Lệ rơi thấm đất ông cha
Xương thịt nằm nơi chiến địa
Thao thiết trong ta nỗi nhớ
Những điều không thể quên.
Ký ức về một thời đạn bom, những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội cứ đau đáu, trăn trở trong rất nhiều bài thơ của ông. Mỗi khi có dịp trở lại chiến trường xưa, lòng ông quặn thắt: Đất và người rõ nét/ rưng rưng lệ nhòa/ Mảnh bom xăng khắc tên anh còn kia/ Xương thịt đã hòa vào lòng đất...
Trong những bài thơ viết về đề tài chiến tranh của Lê Công, ngoài những kỷ niệm về tình đồng chí đồng đội, vẫn còn tươi mới những kỷ niệm về tình yêu như một ký ức không thể xóa nhòa (Ngày ấy bây giờ, Ký ức Củ Chi, Về nơi em...)
Trong "Trăng ẩn", Lê Công đã dành nhiều tình cảm và tâm huyết cho quê hương Ninh Bình. Những bài thơ: Dạ khúc Ngọc Mỹ Nhân, Tình người xa quê, Chân dung dòng Vân, Mầu thời gian, Cố Đô, Hoài niệm một dòng sông... đã thể hiện tình yêu, lòng tự hào của tác giả về một Cố Đô ngàn năm lịch sử- nơi lưu giữ những truyền thống ông cha- nơi có những địa danh đã trở thành huyền thoại: Hoa Lư, Tràng An, Tam Cốc, núi Thúy, sông Vân... Qua những bài thơ viết về quê hương của ông, một miền non nước hữu tình hiện lên đẹp đẽ:
Văn bia vách núi tạc lòng
Đường vào Tam Cốc bồng bềnh gió mây
Nhưng cũng có khi người thơ trăn trở, ưu tư khi nghĩ về quá khứ và hiện tại:
Sông Sào Khê bóng núi nghiêng
Đâu thảm lúa vàng óng ả
Những con đường mới mở
Dẫn ai qua cõi tâm linh...?
Hoặc: Có một thời Vân Giang bị lãng quên/ Vắng cảnh êm đềm...
Những bài thơ viết về đề tài này của Lê Công đều có chung một cảm hứng tự hào về truyền thông hào hùng của cha ông, về cảnh đẹp và những đổi thay từng ngày của quê hương, đất nước.
Sẽ là không đầy đủ nếu nói về nỗi niềm "Trăng ẩn" mà không đề cập đến mảng thơ tình của Lê Công. ở mảng đề tài này, dường như con mắt tinh tế của một nhà nhiếp ảnh và trái tim đa cảm của một hồn thơ đã hòa quyện để tạo nên những giây phút thăng hoa. Có rất nhiều bài thơ được lấy cảm hứng từ "em". Với Lê Công, em trước hết tượng trưng cho cái đẹp. "Sau tấm màn mưa" người thơ Như mơ ngây ngất trước tòa thiên nhiên đẹp đẽ. Em chính là cảm hứng bất tận cho thơ:
Má em lúng liếng đồng tiền
Lỡ rơi ánh mắt xuống miền suối thơ
Em là niềm vui để người thơ vơi đi nỗi buồn:
Gió nào đưa ta gặp em
Vơi đi bao nỗi buồn phiền thời gian
Mỗi cuộc đời có biết bao cuộc gặp gỡ và chia xa. Trong thơ Lê Công, chia xa trong tình yêu tuy có buồn nhưng không bi lụy mà hình như đó là lúc hy vọng được nhóm lên:
Chia tay không uống mà say
Tầm nhìn xa... nắng hây hây... ửng hồng.
Thơ tình Lê Công không đắm say, dào dạt tới mức quên đất, quên trời nhưng lắng đọng và da diết. Tác giả ít nói đến sự mất mát, buồn đau, đắng cay, nghi ngờ. Có chăng cũng chỉ là: "Không em buồn rủ lá cây". Viết về tình yêu Lê Công thường chọn thể thơ lục bát nhẹ nhàng, uyển chuyển, đằm thắm, thiết tha nên khá lôi cuốn người đọc…
Đối với một nghệ sĩ nhiếp ảnh mà có được một tập thơ như thế thật đáng trân trọng. Tuy nhiên người đọc vẫn mong muốn tác giả hãy dụng công hơn nữa trong cách hiệp vần và chọn lựa câu chữ để có thêm những câu thơ, bài thơ giàu tính hình tượng và tính khái quát hơn.
Ba mảng đề tài trên dẫu không thể nói hết nỗi niềm "Trăng ẩn", nhưng cũng cho ta thấy được những cảm xúc chân thành và một thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, đam mê của một nghệ sĩ nhiếp ảnh- người thơ. Ta hãy chờ đợi và hy vọng ở những giây phút thăng hoa cả trong lĩnh vực nhiếp ảnh và lĩnh vực thơ của Lê Công.
Thanh Nga