Hiện tỉnh Ninh Bình có hai cơ quan báo chí chính thống là Báo Ninh Bình và Đài PT-TH tỉnh, với gần 200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên làm công tác tuyên truyền khá lớn, trong đó nhà báo nữ chiếm gần 50%, ở một số bộ phận như biên tập viên, đọc sửa bản thảo, phát thanh viên…, tỷ lệ nữ chiếm cao hơn hẳn nam giới. Có mặt ở hầu hết các bộ phận trong quy trình làm báo, quy trình sản xuất chương trình và được mệnh danh là "phái yếu" nhưng những nữ nhà báo không hề được hưởng sự "ưu ái" về thu nhập, định mức hay thời gian làm việc. Tại các cơ quan báo chí đều có sự phân định công việc rõ ràng. Từ những người làm công tác biên tập, những kỹ thuật viên hay các phóng viên, dù được phân công các nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả đều chung mục đích là tạo ra những tác phẩm-bài viết và xuất bản những tờ báo, phát sóng những chương trình phát thanh-truyền hình chất lượng. Mỗi công việc đều có những đặc thù, khó khăn riêng nhưng đều đòi hỏi ở nữ nhà báo sự nhiệt tình, lòng yêu nghề, hy sinh vì cái chung, vì tập thể.
Với những nhà báo nữ làm công tác biên tập, kỹ thuật viên, mặc dù "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu" nhưng không hề thanh thản, nhàn rỗi. Để nhặt được những "hạt sạn" giúp cho mỗi tác phẩm hay hơn, chất lượng hơn rất cần sự tỷ mỷ, nhẫn nại, cẩn trọng và hơn hết là tinh thần về công việc của những người làm biên tập là làm hết việc chứ không làm hết giờ. Hiện thời lượng phát sóng và số kỳ phát hành báo không ngừng tăng, việc đi sớm, về muộn, áp lực công việc là rất lớn nhưng họ vẫn phải luôn cố gắng để làm tròn nghĩa vụ của người vợ đảm, người mẹ hiền trong gia đình.
Nhà báo Thùy Vân, Đài PT-TH tỉnh chia sẻ: "Vẫn biết công việc của nữ phóng viên truyền hình rất vất vả nhưng với tôi đó là niềm vui, hạnh phúc khi mình đã lựa chọn, đã dấn thân. Hơn 5 năm gắn bó với nghề, tôi không chỉ tự hào vì mình đã góp phần phản ánh tin tức thời sự Ninh Bình đến người xem trong và ngoài tỉnh, mà bản thân còn trưởng thành hơn rất nhiều khi được "đi một ngày đàng học một sàng khôn". Phụ nữ chọn nghề làm báo là gánh lên vai một gánh nặng cực nhọc gấp đôi nam giới, bởi một bên là áp lực công việc, là trách nhiệm đối với bạn đọc, với khán thính giả, với xã hội; còn bên kia là cuộc sống riêng, với trách nhiệm chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái.
Làm phóng viên báo in còn đỡ, đối với phóng viên báo hình thì nỗi cực nhọc còn tăng gấp đôi. Đường đi các xã miền núi, miền biển xa xôi, khó đi, những nữ nhà báo làm truyền hình còn phải "ôm" theo chiếc camera cùng chiếc chân máy quay phim nặng đến hàng chục kg. Trời nắng đã khổ, hôm nào gặp mưa còn cực gấp mấy lần, phải chấp nhận người chịu ướt chứ không thể để máy quay bị ướt…
Đối với những nhà báo nữ có con nhỏ, chồng công tác xa thì càng phải đòi hỏi bền gan vững chí, chịu thiệt thòi, hy sinh hơn những chị em khác. Nhà báo Thu Hằng-Báo Ninh Bình tâm sự: Chồng là bộ đội xa nhà, dăm bữa nửa tháng mới về một lần, nhà chồng cũng neo người, chị phải thay chồng thực hiện trách nhiệm làm bố, làm mẹ, làm con…: "Vẫn biết công việc sẽ khó khăn, vất vả, nhất là thời kỳ chăm sóc, nuôi dưỡng con nhỏ. Nhiều hôm trái gió trở trời, con ốm đau, quấy khóc, bài được giao đã đến hạn nộp, mọi thứ quay cuồng, tôi cũng thấy nản nhưng rồi biết khắc phục thì mọi khó khăn cũng qua, lúc đó là chiến thắng chính mình".
Nghề báo vốn đã gian nan, vất vả, nhưng với các nhà báo nữ, để hoàn thành công việc càng đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn. Do thường xuyên đi sớm, về khuya, luôn mắc nợ chuyện bài vở nên việc thu vén, chăm lo cho các thành viên trong gia đình còn hạn chế, nhất là những chị em ở chung với cha mẹ, anh em nhà chồng, đôi khi chưa nhận được sự cảm thông, chia sẻ.
Nghề phóng viên đi nhiều, quen biết rộng, luôn cần tạo mối quan hệ gắn bó với cơ sở để tìm kiếm đề tài, khai thác thông tin để có những bài viết chân thực, sâu sắc, thuyết phục, vì vậy không tránh khỏi việc phải đi cơ sở cùng đồng nghiệp nam, ngồi cùng đối tác nam để khai thác thông tin trong quán cà phê hay một nhà hàng nào đó…; bắt gặp những cảnh ấy, không phải ai cũng hiểu và cảm thông, khó tránh khỏi những lời đồn thổi, dị nghị… khiến nhiều nữ phóng viên bị bố mẹ chồng chì chiết, chồng nghi ngờ, cuộc sống ngột ngạt, bí bách… Chính sức ép công việc và những thiệt thòi vất vả mà nhiều phóng viên nữ dù yêu nghề, có năng khiếu làm báo nhưng đành "chia tay" với nghiệp báo, đi tìm nghề mới phù hợp hơn với nữ giới...
Để có những bài viết hay, những nhà báo nữ đã không chỉ "hết mình" với công việc mà còn luôn chú trọng trau dồi đạo đức để luôn "bút sắc, lòng trong, tâm sáng", không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn.
Với cái khó ở Ninh Bình là chưa thể mở các lớp đào tạo báo chí, trong khi có nhiều nhà báo nữ hiện nay trình độ chỉ dừng lại ở bằng trung cấp, cao đẳng phát thanh - truyền hình hoặc là các chuyên ngành khác, muốn học các lớp đại học chuyên ngành báo chí, không có cách nào khác là họ phải tự học, tự trau dồi kiến thức qua các lớp tập huấn, đại học từ xa, các lớp tại chức và qua bạn bè, đồng nghiệp được các đồng chí trong Ban Biên tập, Ban Giám đốc tạo điều kiện, ủng hộ và động viên, giúp họ lấp đầy chỗ trống về lý thuyết chuyên ngành, kết hợp với thực tế cuộc sống để ngày càng tự tin, trưởng thành hơn.
Hạnh Chi