Anh Đức là người bán đào ở chợ Hoa Xuân, thành phố Ninh Bình. Vừa bán được cành đào với giá 350 nghìn đồng, dù chưa phải mức giá như mong đợi, song anh Đức cảm thấy cũng chấp nhận được. Nhưng cả một ngày bê, vác đào, rồi chào hàng, trả lời giá bán, cuối ngày anh Đức không giấu nổi sự mệt mỏi lẫn lo lắng.
"Lượng khách đến chợ hoa không nhiều như mọi năm. Có thể do dịch bệnh COVID-19, nhu cầu mua sắm của người dân giảm đi. Nếu như những năm trước, hàng bán nhanh thì năm nay khá chậm. Đào tôi mua buôn ở các nhà vườn Đông Sơn (thành phố Tam Điệp). Năm nay đào đẹp, giá cả phải chăng, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình thêm khó khăn"- anh Đức than thở.
Tâm trạng nhẹ nhàng hơn anh Đức, ông Báu, xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Nhà tôi trồng hàng trăm gốc đào, chủ yếu bán cho khách buôn. Nhưng bao giờ cũng vậy, tôi để dành ngót trăm gốc để bán cho khách chơi. Đi chợ bán đào cũng có cái thú vui không lẫn vào đâu được. Đào phai của Đông Sơn ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Vì thế mà bán cũng dễ và được giá.
Đặc biệt, năm nay thời tiết thuận lợi nên đào rất đẹp, vừa vặn. Tại vườn ông Báu đã bán hết. Tuy nhiên, hiện nay việc bán đào cho khách chơi khá vất vả vì diến biễn bất ngờ của dịch bệnh COVID-19, sức mua cũng chững lại. Nhưng theo lời ông Báu, đã đi buôn bán hoa, cây cảnh vào dịp Tết, cái cảm giác phấp phỏng, lo âu là không thể tránh khỏi, mãi cũng thành quen. Năm nào sớm thì đến ngày 29 âm lịch là hết hàng, còn phần lớn thường ngồi đến chiều muộn 30 Tết. Lúc ấy, có còn cũng bỏ lại.
Ông Báu kể, trước đây, nhiều khách hàng có tâm lý đợi đến tận chiều 30 Tết mới ra mua đào để được giá rẻ. Nhiều người trong số đó là do hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi rất chia sẻ nên đồng ý bán với giá rất rẻ, thậm chí là tặng cành nhỏ để mọi nhà đều có thể chơi đào ngày Tết. Nhưng cũng có những khách hàng, lợi dụng thời điểm cuối cùng trong năm để ép giá. Chúng tôi thấy buồn nhiều hơn. Công sức vun trồng cả năm trời mà… nhưng giờ thì khách hàng như thế cũng không còn nhiều. Cuộc sống khá hơn, người mua cũng chia sẻ, thấu hiểu nỗi vất vả của người bán. Bởi vậy mà việc mua- bán diễn ra êm đềm. Chúng tôi cũng nói giá để bán chứ không nói thách.
Góp vào câu chuyện với chúng tôi, anh Bình, một người buôn quất cho biết: Hơn 5 năm nay, tôi rủ thêm vài người bạn làm nghề… buôn quất. Cứ từ tháng 11 âm lịch, chúng tôi đã đi đặt quất về bán tết. Chủ yếu, chúng tôi chọn quất ở nhà vườn bên Nam Điền (tỉnh Nam Định) vì nhiều mẫu mã, giá cả phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Từ ngày 15 tháng Chạp, chúng tôi đã đưa cây về bán. Buôn bán thì may- rủi từng năm. Nhớ ngày đầu đi bán quất, chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, bảo quản nên gặp thời tiết xấu là quất héo lá, rụng quả. Năm đầu tiên, vật lộn với quất hàng chục ngày trời nhưng khi chia tiền lãi, mấy anh em chỉ cầm trong tay được đôi triệu. Thế mà vẫn vui vì có nhiều người còn lỗ to.
Càng đêm, khách đến chợ hoa càng ít đi. Đây cũng là thời điểm những người làm bốc vác được nghỉ ngơi đôi chút sau một ngày cố sức. Anh Bắc làm công việc bốc vác ở chợ hoa cũng nhiều năm nay. Không có vốn để đi buôn cây cảnh, anh Bắc đành đi… buôn sức. Vất vả đấy, nhưng ưu điểm là không lo bị mất vốn, công việc lại không lo thiếu. Mỗi chuyến bốc vác, vận chuyển cũng có giá từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng. Có ngày, anh Bắc kiếm cả triệu bạc.
Ông Tuần ngồi vắt vẻo trên chiếc xe xích lô, nhẹ nhàng nhả khói sau khi khoan khoái rít một điếu thuốc lào. Ông Tuần bảo, cuối năm bận rộn, thu nhập tốt nên ông không… dám ốm. Một ngày làm việc của ông Tuần bắt đầu từ rất sớm và ông chỉ trở về nhà khi đã đêm muộn. Ngày thường, ông chở vật liệu xây dựng, những ngày giáp tết, các công trình đã nghỉ, ông chuyển sang vận chuyển hàng tiêu dùng, đặc biệt là cây cảnh chơi Tết.
Một người phụ nữ luống tuổi ra tìm ông Tuần. Bà tên là Liên, vợ ông. Bà Liên đưa cho chồng chiếc bánh mỳ nóng hổi và thêm một chiếc áo khoác. Bà Liên cho hay, cuối năm là dịp mà ông bà có nguồn thu nhập tốt nhất trong năm. Ngoài nghề chở xích lô của ông, bà Liên còn tranh thủ đi dọn nhà thuê. Cuối năm ai cũng muốn lau dọn nhà cửa cho sạch sẽ, do đó nhu cầu nhiều. Có nhiều khách gọi, trả 600 nghìn đồng/ngày công nhưng bà cũng không thể nhận được. Đa số bà Liên nhận làm cho khách quen, đã đặt lịch từ trước.
"Từ giữa tháng Chạp là cuộc sống của gia đình tôi thêm hối hả. Bữa cơm gia đình từ lâu chưa được đông đủ mọi thành viên. Nhưng vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng. Nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Chúng tôi cũng phải có sự tích lũy để trang trải cuộc sống nếu phải nghỉ làm vì dịch bệnh như năm 2020"- bà Liên chia sẻ trước khi mải mốt đạp xe trở về nhà…
Đào Hằng - Minh Quang