Ông Trần Quang Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Chủ nhiệm CLB Văn học nghệ thuật ngành Giáo dục Ninh Bình cho biết: Có thể nói, môi trường giáo dục đã khơi dậy trong nhiều thầy, cô giáo, các em học sinh tâm hồn yêu văn học, nghệ thuật, giúp cho cảm xúc được thăng hoa. Bởi nhiều khi người ta rất dễ rung động trước những sự vật như lá bàng rơi, cánh hoa phượng nở hoặc trước những sự kiện mùa hè, mùa thi hay những trước ánh mắt tuổi học trò trong sáng, vô tư... Từ đó cũng đã gợi cho nhiều người những tứ thơ, áng văn nhất định.
Tháng 6 năm 2006, Sở Giáo dục - Đào tạo đã quyết định thành lập CLB Văn học nghệ thuật của ngành nhằm tập hợp những người yêu thích văn học, nghệ thuật và cũng là để tạo một mối giao lưu rộng rãi giữa các thầy, cô giáo, học sinh trên lĩnh vực này. CLB ra đời ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các nhà trường, sự hưởng ứng tích cực của các thầy, cô giáo và các em học sinh. Tuy chỉ là một CLB mang tính chất phong trào nhưng chính nơi đây cũng đã là một trong những sân chơi bổ ích và luôn có sự góp mặt của nhiều cây bút mới...
Là một CLB còn rất trẻ lại mang đặc thù của một CLB "mở" (số hội viên đông, đến từ nhiều vùng, miền, đa dạng về lứa tuổi, lĩnh vực công tác...) nên Ban chủ nhiệm CLB đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Do số lượng hội viên đông (78 người) nên việc tập hợp là điều không dễ. Để khắc phục điều này, Ban Chủ nhiệm CLB đã thông báo các nội dung và hoạt động của CLB thông qua Website của Sở Giáo dục - Đào tạo (hàng ngày theo quy định của Sở, các trường sẽ phải cập nhật thông tin trên Website này vào lúc 11 giờ và 17 giờ). Vì thế, thông tin đến với các hội viên luôn nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, CLB còn tích cực tham gia vào các phong trào thi đua của ngành, của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.
Cuối năm 2006, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức phát động cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn của ngành, sau 1 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 850 tác phẩm (350 truyện ngắn và 500 bài thơ), trong đó có sự góp mặt của rất nhiều hội viên CLB đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn của cuộc thi.
Đã thành thông lệ, cứ đến Ngày thơ Việt Nam là CLB lại tổ chức gặp mặt đầu xuân, ôn lại những việc đã làm trong một năm qua và cùng nhau phấn đấu cho một năm mới tốt lành và ngâm thơ của các hội viên. Các buổi giao lưu đã được tổ chức trên tinh thần văn nghệ, bởi thế Ngày thơ Việt Nam đã là ngày chờ đợi của nhiều hội viên.
Ông Trần Anh Thuận, hội viên CLB tâm sự: Tôi là người yêu thích văn học, yêu thơ ca và đam mê sáng tác văn chương, đặc biệt là thơ. Vì thế ngay khi CLB Văn học nghệ thuật ngành Giáo dục Ninh Bình được thành lập, tôi đã đăng ký tham gia. Đây thực sự là nơi để tôi và các đồng nghiệp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và "thả bầu tâm sự thơ". Trần Anh Thuận cũng là một trong những cây bút chủ lực của CLB Văn học nghệ thuật ngành Giáo dục, thường xuyên có thơ đăng trên các báo, tạp chí, nhiều bài được đón nhận và đánh giá cao.
Không chỉ riêng nhà thơ Trần Anh Thuận mà nhiều hội viên khác cũng đã và đang nỗ lực thể hiện mình qua nhiều tác phẩm. Các tác phẩm của hội viên đã phản ánh nhiều góc cạnh của cuộc sống, không chỉ bó hẹp trong không gian của ngành Giáo dục mà nhiều đề tài thiết thực khác đã được phản ánh sinh động như: tình yêu lứa đôi, tình yêu lao động...
Thời gian qua đã có nhiều gương mặt xuất hiện đều trên những tờ báo, tạp chí của Trung ương và địa phương như thầy giáo Ngô Xuân Hành (giáo viên Trường THCS Yên Sơn - Tam Điệp); Trần Anh Thuận (giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy); Vũ Xuân Trường (giáo viên Trường THPT Kim Sơn A); Kù Kao Khải (Trường THCS Kim Tân - Kim Sơn); Phan Nguyễn (Trường THCS Khánh Hải - Yên Khánh); Đặng Hiếu Nam (chuyên viên văn phòng Sở Giáo dục - Đào tạo); em Đỗ Thị Hồng Quyên, Đỗ Tiến Định (học sinh Trường THPT Yên Khánh A)...
Đặc biệt, sự ra đời tập san giáo dục của ngành (mỗi quý ra 1 số) là một trong những "sân chơi" để các thầy, cô giáo và các hội viên CLB có thể đọc, bình phẩm, trình bày các quan niệm thơ hay tranh luận với nhau về quan điểm sáng tác truyện ngắn, văn xuôi, hội họa... Từ chiếc nôi này đã đóng góp cho Hội VHNT Ninh Bình các cây bút, họa sỹ xuất sắc như: Kù Kao Khải, Phan Nguyễn, Trần Anh Thuận...
Ngoài những cây bút là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, còn một đội ngũ cây bút đang là học sinh, các thầy, cô giáo ở các trường trung học, tiểu học, mầm non trong tỉnh. Đây là một lực lượng khá đông đảo. Điều đáng nói là với những cây bút này, sáng tác đã trở thành một nhu cầu tinh thần nội tại của họ. Và do vậy, dù chưa có gương mặt nào thật sự sáng giá nhưng người đọc vẫn có thể tin và hy vọng ở họ.
Ông Trần Quang Ánh cho biết thêm: Thời gian tới, Sở sẽ nâng cao chất lượng tạp chí của ngành để phát hiện, giới thiệu những cây bút trẻ. Những hoạt động nhằm tập hợp đội ngũ sáng tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là một mục tiêu quan trọng trong việc hình thành CLB Văn học nghệ thuật của ngành, qua đó sẽ quy tụ và tạo sự gắn bó giữa các cây bút với hoạt động CLB.
Mai Lan