Có nhiều mức "điểm sàn" Từ năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu tổ chức tuyển sinh "ba chung" (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả) trên toàn quốc và 2 năm sau thêm quy định "điểm sàn". Quy chế tuyển sinh nói trên kéo dài đến năm 2013.
Từ năm nay, quy chế tuyển sinh đã thay đổi, các trường đại học, cao đẳng có thể tổ chức thi riêng hoặc tham gia kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Căn cứ vào kết quả thi đại học, cao đẳng của thí sinh trong cả nước, Hội đồng xác định điều kiện bảo đảm chất lượng đầu vào đề xuất Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.
Đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường. Nguyên tắc xác định điểm chuẩn xét tuyển trong trường hợp này là giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển, có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học hoặc cao đẳng đã được Bộ công bố và trường đã lựa chọn (các điểm trung bình này được làm tròn với 2 số lẻ).
Bộ GD-ĐT yêu cầu, trước ngày 20-5, các trường công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo Bộ GD-ĐT môn thi chính được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố các mức điểm xét tuyển để vào đại học, cao đẳng, đối với các trường, ngành không quy định môn thi chính phải xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng mà Bộ đã công bố và trường đã lựa chọn.
Đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính phải xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính theo nguyên tắc đã quy định. Các trường đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đạt mức từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính) theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Thêm nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh.
Bộ GD-ĐT lưu ý, khoảng tuần đầu tháng 6-2014, các thí sinh sẽ nhận được Giấy báo dự thi tại nơi đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Thí sinh cần đọc kỹ nội dung Giấy báo dự thi, nếu phát hiện có sai sót cần thông báo cho Hội đồng tuyển sinh trường điều chỉnh.
Trước ngày 20-8-2014, các trường công bố kết quả thi và điểm trúng tuyển trên internet và trên các báo, đài. Thí sinh đến nơi đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi để nhận Giấy báo trúng tuyển hoặc Giấy chứng nhận kết quả thi. Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường sẽ thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác về điều kiện xét tuyển: Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; chỉ tiêu cần tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; vùng tuyển; thời gian công bố điểm trúng tuyển...
Hồ sơ, thời gian nộp hồ sơ, quy trình đăng ký xét tuyển vào các trường hoặc ngành của trường tổ chức tuyển sinh riêng được quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh của trường.
Thí sinh đã dự thi ngành năng khiếu, nếu môn văn hóa thi theo đề thi chung, được tham gia xét tuyển vào chính ngành đó của các trường có nhu cầu xét tuyển, trong vùng tuyển của trường.
Thí sinh có thể nộp đơn phúc khảo kèm theo lệ phí cho trường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày trường công bố điểm thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, các trường công bố kết quả phúc khảo cho thí sinh.
Lịch thi tuyển sinh (theo đề thi chung)
- Ngày 4 và 5-7 (đợt 1) thi các khối A, A1 và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến hết ngày 11-7.
- Ngày 9 và 10-7 (đợt 2) thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (Khối H, N thi môn Ngữ văn theo đề thi khối C; Khối M thi môn Ngữ văn, Toán theo đề thi khối D; Khối T thi môn Sinh, Toán theo đề thi khối B; Khối R thi môn Ngữ văn, Lịch sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến hết ngày 13-7.
- Ngày 15 và 16-7 (đợt 3) thi các khối hệ cao đẳng. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa, thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 21-7.
- Thời gian thi các môn tự luận kéo dài 180 phút, các môn trắc nghiệm dài 90 phút.
P.V