Chưa có cán bộ - y bác sỹ nào ở Trung tâm này khi được hỏi lại than phiền về công việc của họ đang làm. Bởi họ đều nhận thức được đối tượng phục vụ là những người có công với cách mạng, chịu nhiều hy sinh mất mát mà họ là những người được Đảng, Nhà nước giao trọng trách chăm sóc suốt phần đời còn lại.
"Nếu không nhận thức được tình thương và trách nhiệm của mình đối với người bệnh thì không thể làm được các công việc ở đây"! Đó là câu nói mà Phó giám đốc Trung tâm, ông Lâm Quang Đạo nói với chúng tôi. Với 104 thương bệnh binh nặng, có 95 người là thương binh hạng 1/4, mất sức từ 81% trở lên. Nhiều người mắc chứng tâm thần phân liệt, động kinh, lao, tiểu đường, suy gan, thận…Trung tâm đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Đã từ lâu việc quản lý thương bệnh binh luôn là điều trăn trở của cán bộ y- bác sĩ nơi đây.
Từ thực tế của thương bệnh binh đòi hỏi cần phải có một môi trường chăm sóc toàn diện. Trung tâm đã áp dụng quản lý thương bệnh binh theo mô hình "Quản lý mở". Đây là một phương pháp chăm sóc người bệnh với tình thương và trách nhiệm rất cao. Với mô hình này, bệnh nhân được sinh hoạt trong một không gian rộng, có vườn hoa cây cảnh thoáng mát, có nhân viên quản lý hướng dẫn sinh hoạt. Hàng ngày, người bệnh được đọc báo, xem ti vi, nghe đài, chơi thể thao… kết hợp với các phương pháp trị liệu khác. Đồng thời để cho bệnh nhân không có cảm giác mặc cảm và thiếu vắng tình thương của gia đình, cán bộ ở đây luôn có thái độ chan hòa, cởi mở nhằm phần nào giúp họ phục hồi ý thức hòa nhập với cộng đồng. Đối với những bệnh nhân tâm thần kích động mạnh và những bệnh nhân tuổi cao, Trung tâm đã áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt toàn diện về ăn, mặc, ngủ, vệ sinh thân thể, sinh hoạt cá nhân. Có những bệnh nhân nằm liệt giường bốn tháng, mọi sinh hoạt đều do y tá, hộ lý ở đây chăm sóc.
Ông Lâm Quang Đạo kể lại: "ở Trung tâm này đã từng có một nhân viên phục vụ ở khoa I bị bệnh nhân đánh gãy tay, còn chuyện bệnh nhân đánh cho tím người là chuyện bình thường .. Những bệnh nhân có võ khi lên cơn rất nguy hiểm, cán bộ y tế, điều dưỡng vào thì bị bệnh nhân cầm dao đuổi. Vì vậy nhân viên ở đây phải thực sự có lòng kiên trì, tình thương và trách nhiệm mới hoàn thành nhiệm vụ"...
Ngoài công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, Trung tâm còn chú ý làm các chế độ chính sách cho thương bệnh binh, giải quyết đầy đủ các chế độ quyền lợi của bản thân thương, bệnh binh nuôi dưỡng tại chỗ, chế độ chính sách liên quan đến các gia đình thương bệnh binh... Niềm vui lớn nhất đối với cán bộ ở Trung tâm là tìm được thân nhân cho thương, bệnh binh. Có trường hợp địa phương đã báo tử, nhưng Trung tâm vẫn thông báo mong sao tìm lại thân nhân cho thương binh qua bao năm mất liên lạc, như trường hợp của thương binh Mai Văn Tương ở Quảng Nam, Nguyễn Văn Dò ở Quảng Ngãi. Những ai gia đình quá xa không có điều kiện đi lại hoặc không tìm được người thân thì trung tâm sẽ là mái ấm của họ đến cuối đời,
Những thương bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như gia đình anh Phạm Hùynh Hồi có hai con đều bị di chứng tâm thần; gia đình thương binh Bùi Đình Cam cả ba cháu đều bị di chứng não do nhiễm chất độc da cam…Trung tâm đã liên hệ với các cơ quan giải quyết, tiếp nhận cho các cháu đi điều trị, nuôi dưỡng ở các đơn vị thuộc cơ quan Nhà nước.
Trung tâm còn là nơi hội tụ của khá nhiều tổ ấm. Như gia đình anh thương binh Lê Xuân Khải có năm người con, tất cả các con đều thành đạt. Người con thứ ba của anh hiện đang du học ở Nga, một người hiện là giáo viên trường PTTH Nho Quan B. Gia đình anh thương binh hạng 1/4 Nguyễn Văn Long có 4 người con, thì có hai hiện đang phục vụ trong ngành an ninh, một người là giáo viên, và người con út cũng đã học xong Trung cấp y.
Rời Trung tâm tôi còn nhớ mãi câu nói của Phó giám đốc Lâm Quang Đạo: "Nơi đây không chỉ chữa lành những vết thương mà còn là cái nôi của nhiều tổ ấm".
Nguyễn Thơm