Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố, 6 huyện), 145 đơn vị hành chính cấp xã (17 phường, 21 xã, 7 thị trấn), trong đó 11 xã trọng điểm phức tạp về ANTT. Trước khi thực hiện chủ trương "xây dựng công an xã, thị trấn chính quy", Ninh Bình có 128 xã, thị trấn, trong đó đã bố trí công an chính quy được 6 thị trấn; còn lại 122 xã, thị trấn do lực lượng công an xã bán chuyên trách đảm nhiệm. Công an các huyện, thành phố đã bố trí 127 đồng chí công an phụ trách xã, bình quân mỗi đồng chí phụ trách 1 xã.
Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên công tác nắm và giải quyết tình hình phức tạp xảy ra gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, Công an tỉnh đã chủ động xây dựng Đề án bố trí và tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị địa phương bàn các giải pháp, thống nhất để thực hiện.
Theo lộ trình kế hoạch đề ra, đến 31/12/2021, Công an tỉnh phấn đấu hoàn thành việc bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo cho hoạt động cũng như việc thực hiện lộ trình này, ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn cán bộ và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ cho việc đưa công an chính quy về xã.
Trước mắt, tất cả những xã có trưởng công an xã nghỉ hưu hoặc bố trí công tác khác, Công an tỉnh đã phối hợp với các địa phương bố trí ngay công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã. Bên cạnh đó, bố trí 288 cán bộ công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT phụ trách tại 110 xã, thị trấn còn lại; có chế độ động viên khen thưởng, đãi ngộ đối với các đồng chí tự nguyện tăng cường xuống cơ sở.
Đặc biệt, Công an tỉnh coi trọng tổ chức liên tục các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho cán bộ dự nguồn điều động đảm bảo các chức danh công an xã. Qua đó, cán bộ được đào tạo, rèn luyện, thử thách, nâng cao trình độ chuyên môn...
Với những bước đi vững chắc, thận trọng, đến ngày 5/8, Công an tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố bố trí được 46 công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 12/122 xã, thị trấn theo mô hình 3 của Bộ Công an; trong đó bố trí 12 trưởng công an xã, 12 phó trưởng công an xã và 22 công an viên. Đã có 8/12 xã thành lập Chi bộ Công an xã trực thuộc Đảng bộ xã; còn 4/12 xã đang hoàn tất thủ tục thành lập chi bộ.
Hiện nay 100% các xã đã bố trí được từ 2 đến 3 phòng làm việc, sinh hoạt cho lực lượng này. Quá trình triển khai thực hiện Đề án được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Yên Thắng (Yên Mô) cho biết: Xã Yên Thắng là một trong những xã đầu tiên của huyện Yên Mô được bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã (tháng 1/2019). Chủ trương bố trí các đồng chí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã là hoàn toàn đúng đắn.
Bởi vì lực lượng công an chính quy đều là những đồng chí đã được đào tạo nghiệp vụ bài bản và có kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Khi các đồng chí về thực hiện nhiệm vụ đã giúp địa phương rất nhiều trong xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp bảo đảm ANTT, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
Để cán bộ chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ tại vị trí công tác mới, Công an tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở Công an xã.
Đến nay, có 3/8 huyện bố trí, quy hoạch quỹ đất, 3 xã đang đang xây dựng trụ sở, 8 xã đã bố trí nguồn kinh phí xây dựng trụ sở Công an xã trong năm 2019.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ công an vừa qua tại Ninh Bình, đồng chí Phạm Văn Sơn, TVTU, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Hiện lực lượng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã đã và đang hoạt động rất tốt theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tất cả cán bộ công an chính quy được điều động đảm nhiệm các chức vụ trưởng, phó trưởng công an xã đều được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm công tác.
Vì vậy, việc nắm bắt tình hình, tham mưu giải quyết công việc ở cơ sở đạt hiệu quả cao, đảm bảo đúng pháp luật, quy định của ngành, có tính chuyên sâu trong hoạt động nghiệp vụ công an. Các vụ việc xảy ra về ANTT ở cơ sở cơ bản được giải quyết theo đúng chức năng và thẩm quyền; đã góp phần giúp cho Công an huyện, Công an tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Việc đưa công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã đảm bảo tính ổn định của công an xã, khắc phục được những tồn tại, yếu kém của việc bố trí Công an xã bán chuyên trách như: lực lượng thường bị biến động, thiếu kinh nghiệm, trình độ năng lực.
Đồng thời, giúp lực lượng công an xã bán chuyên trách học hỏi và rút kinh nghiệm trong quy trình giải quyết công việc, sai phạm của lực lượng công an xã bán chuyên trách giảm đi rất nhiều, nhất là trong công tác đăng ký quản lý cư trú.
Đối với lực lượng công an chính quy bố trí xuống xã, hiện nay cũng đã dần ổn định tổ chức và trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu và phối hợp với công an xã bán chuyên trách, thường xuyên nắm tình hình, phát hiện và giải quyết nhanh, kịp thời các vấn đề nổi lên về ANTT ngay từ cơ sở; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Bài, ảnh: Kiều Ân