Với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau trong phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo. Không chỉ tích cực triển khai các chính sách giảm nghèo, tỉnh còn có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm tạo động lực cho người nghèo vươn lên, trong đó phải kể đến việc thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề cho người nghèo. Nhờ có nghề trong tay, những hộ nghèo đã có thêm cơ hội để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo tiêu chí tiếp cận đa chiều, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan bước vào năm 2016 với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 17,02%. Xác định rõ, với việc nâng mức chuẩn nghèo sẽ là cơ hội để cuộc sống người dân được đảm bảo hơn, nên địa phương đã có những bước làm thật vững chắc. Theo đó, để nắm bắt được nguyên nhân, nguyện vọng của người nghèo để có hướng thoát nghèo hiệu quả, xã đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, nhờ đó mà tìm được sự đồng lòng chung sức của người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Qua khảo sát cho thấy, nguyên nhân nghèo chủ yếu là do các yếu tố chưa đạt như: thu nhập và một số dịch vụ xã hội cơ bản như: nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Cúc Phương xác định, mấu chốt nhất vẫn là làm thế nào để nâng cao thu nhập cho nhân dân, có như vậy, người dân mới có điều kiện để hoàn thiện những thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo đó, địa phương đã tìm cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó tiếp tục xác định cây mía là cây trồng chủ lực giúp bà con giảm nghèo. Hiện nay, diện tích trồng mía ở địa phương đã mở rộng lên 180 ha. Nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Việt- Đài. Trung bình, 1 ha mía sẽ mang lại cho người nông dân khoảng 60 triệu đồng/ha. Nếu so sánh với trồng lúa thì cây mía đạt hiệu quả gấp đôi. Ngoài ra, lá mía còn được bà con tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi. Địa hình thuận lợi, lại có thể tận dụng thức ăn có sẵn trong thiên nhiên, xã Cúc Phương khuyến khích nông dân mở rộng chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, đồng thời mạnh dạn đưa về các con nuôi có giá trị kinh tế cao.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết thêm, những con nuôi như trâu, bò, hươu, nhím, ong, dê… có giá trị kinh tế cao mà lại không tiêu tốn nhiều chi phí thức ăn. Từ vài hộ nuôi thí điểm, đến nay ở Cúc Phương có nhiều hộ gia đình xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn xã có gần 150 hộ lập gia trại. Nhiều gia trại thu lợi nhuận cao, mỗi năm đạt 600-700 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, những hộ nuôi còn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi cho những hộ mới nuôi. Ngoài ra, còn sẵn sàng hỗ trợ giống, vốn giúp nhau cùng phát triển kinh tế…
Bên cạnh đó, địa phương tích cực hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội thiếu hụt. Đơn cử như vấn đề tiếp cận thông tin. Hiện tại, xã đã triển khai xây dựng ở mỗi thôn một điểm để truy cập Internet, đặt tại các nhà văn hóa thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân truy cập thông tin. Đối với tiêu chí nước sạch và môi trường, xã đã tiến hành khảo sát những thôn, những hộ dân chưa được sử dụng nước sạch và xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ đó, một mặt, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân, đồng thời xã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường để cải thiện hệ thống nhà tiêu. Từ đầu năm tới nay, xã có gần 100 hộ vay vốn để xây công trình vệ sinh, qua giám sát, các hộ đều sử dụng đúng mục đích… Với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và nhân dân Cúc Phương, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 13,1%.
Câu chuyện thoát nghèo của nhân dân xã Cúc Phương là một trong số rất nhiều điển hình trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh ta. Đặc biệt, những nỗ lực của các địa phương, của mỗi người nghèo như được tăng thêm sức mạnh khi tỉnh ta dành nhiều sự quan tâm thiết thực tới vùng nghèo, hộ nghèo. Theo đó, tỉnh ta đã thực hiện tốt công tác thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào những vùng có điều kiện nhưng kinh tế còn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao để tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho người lao động và nhân dân. Từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 17.000 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi cho giá trị thu nhập cao. Ngoài những giải pháp chung của tỉnh, mỗi địa phương lại có chính sách giảm nghèo riêng như thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức đoàn thể nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.
Các huyện vùng xa là địa bàn có nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới cao. Bởi vậy, tỉnh đã tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Tại huyện Kim Sơn, dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng 6 xã bãi ngang đã được triển khai với kinh phí ước đạt trên 30 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2016. Nguồn kinh phí hỗ trợ đã giúp các xã đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo và bền vững hơn; vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận giúp đỡ, hỗ trợ ủng hộ người nghèo, xã nghèo. Trong công cuộc giảm nghèo ở Ninh Bình, MTTQ và các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… đã phát huy cao vai trò, trách nhiệm, bám sát Nghị quyết, cơ sở, tận tình vận động, hướng dẫn người nghèo biết cách làm ăn, xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Hội Nông dân với việc xây dựng hàng trăm mô hình phát triển kinh tế tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng như: trồng khoai lang Nhật Bản ở Văn Phương, Văn Phú (Nho Quan); trồng lúa cao sản và nuôi ếch thương phẩm ở xã Thượng Hòa, trồng nấm tại Quảng Lạc…; 100% số cơ sở của Hội Phụ nữ tổ chức hướng dẫn kiến thức khoa học- kỹ thuật cho phụ nữ; Đoàn thanh niên có dự án làng thanh niên nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ bò sinh sản, đưa giống ngô mới vào sản xuất… Từ đầu năm tới nay, các ngành, địa phương đã tổ chức dạy nghề cho trên 15 nghìn lao động nông thôn. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể còn bảo lãnh cho hội viên nghèo được vay vốn tín chấp, với lãi suất ưu đãi giải quyết việc làm. Nguồn vốn này đã giúp cho những người nghèo trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.
Công cuộc giảm nghèo của tỉnh còn nhận được sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của các tập thể, những nhà hảo tâm. Trong những năm qua, toàn tỉnh đã vận động được trên 60 tỷ đồng ủng hộ quỹ Vì người nghèo, vận động xây mới, sửa chữa hơn 4.000 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở… Có thể nói, với sự huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, nhất là ở những địa phương khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống còn 5,79% vào cuối năm 2016.
Đào Hằng