Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng không đứng ngoài lề cuộc khủng hoảng đó. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Công ty TNHH May Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu) là một trong 5 công ty "con" thuộc Tập đoàn May Đài Loan (có trụ sở đóng tại Đài Loan). Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực…, Công ty TNHH May Đài Loan được coi là ưu tiên số một, là hướng phát triển mũi nhọn của Tập đoàn May Đài Loan. Bởi thế, ngay từ khi khởi công xây dựng, Tập đoàn May Đài Loan đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, đầu tư công nghệ hiện đại hơn hẳn so với các công ty "con" khác. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, toàn bộ hệ thống các công ty "con" của Tập đoàn May Đài Loan - trong đó có Công ty TNHH May Đài Loan đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Ông Hồ Tiến Lai, Giám đốc Công ty TNHH May Đài Loan cho biết: "Từ tháng 1-2009, suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu chính của Công ty lại là nước Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, các đơn hàng của Công ty bị giảm hơn nửa. Chưa thể nhận định được cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này sẽ kéo dài bao lâu, song với nội lực sẵn có, Công ty vẫn có thể ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động trong thời gian dài…".
Hiện, Công ty TNHH May Đài Loan có hơn một nghìn lao động, với mức lương từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, theo khẳng định của ông Hồ Tiến Lai thì hơn một nghìn lao động này sẽ không bị mất việc làm, mức lương của công nhân cũng sẽ không bị giảm. Được biết, vừa qua Công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 300 công nhân.
Ông Hồ Tiến Lai giải thích: "Đúng là trong thời điểm này, việc tuyển thêm công nhân được nhiều người nhìn nhận như một… nghịch lý. Thực tế, sở dĩ Công ty TNHH May Đài Loan không những đảm bảo được việc làm, thu nhập cho người lao động mà còn tiến hành tuyển dụng thêm lao động là nhờ Công ty có được sự hậu thuẫn tích cực của cả Tập đoàn. Thời gian qua, Tập đoàn đã điều chỉnh, "gom" đơn hàng ở các công ty "con" khác, dồn hết cho công ty tại Việt Nam. Và để đáp ứng được khối lượng công việc đó, đòi hỏi Công ty phải tuyển thêm lao động…".
Tuy nhiên, trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng" này, những doanh nghiệp may mắn có được "phao" cứu trợ như Công ty TNHH May Đài Loan không nhiều. Phần lớn các doanh nghiêp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều phải tự tìm cách để "xoay chuyển tình thế", đơn cử như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Được biết, sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU, tiêu thụ nội địa chỉ còn 10%. Tuy nhiên, do Mỹ và EU là những thị trường chịu tác động nặng nhất của khủng hoảng kinh tế, nên đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất và doanh thu của Công ty.
Ông Đinh Cao Khuê cho biết: "So với cùng kỳ năm trước, số lượng đơn đặt hàng giảm từ 10-15%. Giá sản phẩm cũng vì thế mà bị "ép", giảm từ 10-15%. Hiện tại, Công ty có hàng nghìn lao động bao gồm cả công nhân nông nghiệp và công nhân công nghiệp. Trong đó, riêng công nhân công nghiệp là 400 lao động. Trước mắt, lao động của Công ty chưa bị mất việc làm, nhưng nếu tình trạng khủng hoảng kinh tế kéo dài thì chắc chắn một bộ phận lao động, nhất là lao động công nghiệp sẽ có nguy cơ bị nghỉ việc. Không những vậy, thu nhập của cán bộ, công nhân cũng có khả năng giảm từ 5-10%...".
Không riêng gì doanh thu của doanh nghiệp bị giảm, mà thu nhập của nhiều nông dân vùng nguyên liệu cũng bị giảm theo. Được biết, trước đây 1 kg dứa có giá 1.800 đồng thì nay giảm xuống còn 1.600 đồng, tương tự, trước 4.200 đồng/kg dưa chuột bao tử, nay giảm xuống còn 3.800 đồng… Để vượt qua những khó khăn này, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển thị trường nội địa. Theo đó, lượng sản phẩm dành cho thị trường nội địa sẽ được điều chỉnh thành 30%, 70% dành cho thị trường xuất khẩu.
Ông Đinh Cao Khuê cho biết thêm: "Công ty có thuận lợi là đã tạo dựng được thương hiệu đối với khách hàng trong nước, do đó sẽ không khó để điều chỉnh mức cung cấp sản phẩm ra thị trường nội địa, từ đó lấy doanh thu nội địa bù cho doanh thu xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng đối với nhiều khách hàng, sản phẩm của Công ty vẫn còn khá mới mẻ. Do đó, thời gian tới Công ty sẽ đẩy mạnh việc tham gia hội chợ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới khách hàng. Mặt khác, sẽ tích cực phát động phong trào "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật" trong đội ngũ cán bộ, công nhân Công ty nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, có mẫu mã đẹp phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nâng cao sức cạnh tranh đối với các nước trong khu vực và trên thế giới…".
Ông Đoàn Lan, Giám đốc Xí nghiệp tư doanh thủ công mỹ nghệ Đổi Mới cho biết: Số lượng đơn đặt hàng của Xí nghiệp giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước. Vào thời điểm này năm ngoái, Xí nghiệp đã ký thêm được 7 hợp đồng, nhưng năm nay, đơn hàng chỉ đủ cho công nhân làm đến hết tháng 4. Do đặc thù sản phẩm của Xí nghiệp chỉ hướng tới thị trường xuất khẩu, nên không thể quay sang tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Trước đây, Xí nghiệp đảm bảo việc làm ổn định cho từ 8.000-10.000 lao động, trong đó có cả lao động vệ tinh. Nhưng nay, Xí nghiệp phải bỏ hết lao động vệ tinh, chỉ giữ lại gần 300 lao động chủ chốt. Mặc dù, đang gặp nhiều khó khăn, song Xí nghiệp phấn đấu không để ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động. Thậm chí, Xí nghiệp đang có chủ trương tăng 5% lương cho người lao động nhằm động viên, chia sẻ khó khăn cùng người lao động…".
Để thực hiện mục tiêu đó, Xí nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp như: Thực hành tiết kiệm trong sản xuất, giảm chi phí điện, nước… Bên cạnh đó, Xí nghiệp phát động phong trào thi đua sáng tạo, thiết kế ra nhiều sản phẩm có mẫu mã đẹp, đa dạng hóa sản phẩm… Đối với bạn hàng, Xí nghiệp chấp nhận phương án thanh toán theo hình thức trả chậm, đồng thời chấp nhận trả cước phí vận chuyển… Kết quả, hiện Xí nghiệp đã ký được một số đơn hàng mới. Mặc dù đó mới chỉ là vài đơn hàng nhỏ, lẻ.
Ông Đoàn Lan chia sẻ: "Trong thời điểm khó khăn này, nguồn động viên lớn đối với các doanh nghiệp đó là nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ khó khăn của UBND tỉnh. Theo đó, tỉnh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi xúc tiến thương mại, hỗ trợ gian hàng, hỗ trợ 5% chi phí cho doanh nghiệp đi khảo sát hội chợ quốc tế… Đó chính là động lực, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động".
Thu Hằng