Song với sự vào cuộc sát sao của các cấp, các ngành với phương châm thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhờ đó tình hình kinh tế của tỉnh 8 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,1%, tổng thu ngân sách đạt 83,4% dự toán, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%, an sinh xã hội được đảm bảo.
Thực hiện "mục tiêu kép"
Để chủ động trong phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội trong mọi ngành, lĩnh vực; các cơ sở sản xuất có phương án tổ chức sản xuất phù hợp, phòng dịch chặt chẽ, không để ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và thị trường bị gián đoạn ảnh hưởng đến sự phục hồi sản xuất. Trước những khó khăn đó, ngành Công thương đã chủ động phối hợp với các ngành, bám sát những chính sách mới, hệ thống hóa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tận dụng kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn để giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chương trình khuyến công quốc gia, địa phương, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020...
Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh có các chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán trong việc quản lý thực hiện đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư. Với sự nỗ lực đó, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm đã đạt 52.308,6 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp tiết kiệm tối đa các chi phí khác để đảm bảo đời sống cho công nhân. Các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đại lý trên địa bàn đã triển khai các giải pháp dự trữ hàng hóa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân không gây mất cân đối cung cầu, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng dịch bệnh trục lợi.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế 8 tháng đầu năm nay phải kể đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, lãnh đạo chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện, hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải quyết các khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành.
Qua đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực. Tính đến 20/8, tổng số vốn kế hoạch năm 2020 giải ngân đạt 3.304,416 tỷ đồng, bằng 102,12% kế hoạch vốn. Đánh giá về công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh, ông Bùi Minh Đức, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 thì giải ngân vốn đầu tư công được xem là "cứu cánh" cho nền kinh tế sau đại dịch.
Tỉnh đã đưa chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công thành tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc đối với các sở ngành và có biện pháp mạnh với dự án triển khai chậm, nhà thầu cố tình dây dưa. Đồng thời linh hoạt chuyển vốn cho các công trình đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm so với kế hoạch.
Cần có giải pháp bứt phá
Bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế thì lĩnh vực thương mại, dịch vụ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh đặc biệt là ngành kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch, vận tải... Do vậy 8 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 3% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực xuất khẩu có khởi sắc nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm vẫn giảm 0,3% so với cùng kỳ và đạt 69,9% kế hoạch năm. Số lượng khách và doanh thu du lịch giảm mạnh. 8 tháng đầu năm toàn tỉnh đón 1,86 triệu lượt khách, giảm 70%, doanh thu giảm 62% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh dịch bệnh được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống, cộng với tiềm ẩn dịch bệnh trên đàn vật nuôi thì việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 của tỉnh là hết sức khó khăn, đòi hỏi mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương phải cố gắng, tăng tốc và có những giải pháp bứt phá.
Trước mắt, UBND tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh: Dự án Cao tốc Bắc - Nam, Dự án đường Bái Đính - Ba Sao, Dự án KCN Gián Khẩu mở rộng; Khu nhà ở công nhân...
Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và các khó khăn vướng mắc... để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng như các dự án ngoài ngân sách theo Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 07/07/2020 của UBND tỉnh. Yêu cầu các chủ đầu tư điều chuyển vốn đối với các công trình dự án không kịp thời hoàn chỉnh thủ tục, dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng và nhu cầu giải ngân cao hơn.
Các ngành, các cấp trong tỉnh phối hợp thực hiện có hiệu quả các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh với trọng tâm là thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; các giải pháp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như: ô tô, linh kiện điện tử, xi măng - clanke,...nhằm giảm hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất.
Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, gắn khai thác với nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu NSNN và thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2020.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, đi công tác trong nước và ngoài nước; tiết kiệm chi mua sắm chưa thực sự cần thiết theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 để dành nguồn lực cho các nhiệm vụ chống dịch và phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.
Nguyễn Thơm