Từ 2 ca bệnh đầu tiên phát hiện vào năm 1999, đến nay trên địa bàn thị xã Tam Điệp đã có 9/9 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS với 92 trường hợp, trong đó 38 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 25 người đã tử vong.
Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của mỗi địa phương, Tam Điệp đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai tới cơ sở các tài liệu truyền thông, tư vấn phòng lây nhiễm HIV/AIDS...
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống HIV/AIDS và công tác theo dõi, quản lý đối tượng có nguy cơ cao tại các xã, phường trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên đài truyền thanh 3 cấp, các hội nghị, trong đó các tổ chức đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ, hội cựu chiến binh... đóng vai trò nòng cốt.
Các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đã chủ động phối hợp với ngành hữu quan như: Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS... để quản lý tốt người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Vì thế, nhận thức của các tầng lớp nhân dân đã có nhiều tiến bộ, HIV/AIDS được nhiều người nhìn nhận như là một loại bệnh, chứ không phải là một vấn đề vi phạm đạo đức để kỳ thị, xa lánh, góp phần giúp "người có HIV" hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với chị Đỗ Thị M (phường Nam Sơn, Tam Điệp), một trong số những nạn nhân HIV/AIDS. Người chồng của chị, sau những chuyến đi xa dài ngày, ngoài số tiền do lao động kiếm được, phụ giúp gia đình, đồng thời còn mang theo vi rút HIV/AIDS và đã truyền sang cho chị. Khi biết mình đã bị nhiễm HIV, chị đau khổ tột cùng. Rồi cái ngày định mệnh cũng đã tới, bên cạnh nỗi đau mất chồng thì nỗi đau mình là nạn nhân và sự xa lánh của bà con chòm xóm đã khiến chị hoàn toàn suy sụp. Những ngày sau đó là khoảng thời gian chị sống trong u tối, bế tắc, mất phương hướng, không biết chia sẻ cùng ai.
Chị M vẫn còn nhớ như in cái cảm xúc của mình khi lần đầu nghe cô con gái bỏ học tức tưởi chạy về khóc nức nở, mách mẹ: Mẹ ơi, các bạn không cho con chơi vì bố con bị si-đa! Chị M tâm sự: Dẫu đã xác định quãng đời còn lại với mình là không nhiều. Thế nhưng đối mặt với sự kỳ thị thì quả là nghiệt ngã, như từng nhát dao cứa vào tâm can... Song tôi đã may mắn bởi bên cạnh mình còn nhận được sự cảm thông, chia sẻ của đôi bên bố mẹ, anh chị em ruột trong gia đình cũng như một số bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm tốt bụng. Vì vậy mà tôi không gục ngã. Rất may mắn tôi lại được Đội y tế dự phòng thị xã Tam Điệp giới thiệu để hưởng ứng chương trình điều trị HIV/AIDS miễn phí của tỉnh. Từ khi được điều trị theo phác đồ của các bác sỹ, tôi thấy mình khỏe hẳn lên, tăng được 4-5 kg so với trước đây... Sự mặc cảm và nỗi e ngại vì sợ mọi người xa lánh, kỳ thị cũng dần mất đi, tôi sống vui hơn và cảm thấy vẫn còn có ích cho con mình, cho cuộc đời này.
Giống như chị M, rất nhiều "người có HIV" trên địa bàn thị xã Tam Điệp đang nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân. Đây chính là nguồn động lực lớn lao giúp nhiều người nhiễm HIV/AIDS vươn lên, sống có ích với mình, với gia đình và xã hội.
Đức Nghĩa