Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân thành phố, vừa qua, cửa hàng Nông sản an toàn Sông Vân được khai trương tại địa chỉ số 203B, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đông Thành, Thành phố Ninh Bình. Những sản phẩm có mặt tại cửa hàng là những nông sản đặc trưng của từng địa phương được lựa chọn từ những địa chỉ sản xuất có uy tín như: các sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã rau sạch xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), Hợp tác xã nông nghiệp Phúc Long, xã Yên Từ (huyện Yên Mô), Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong (huyện Nho Quan). Những sản phẩm đặc trưng của quê hương Ninh Bình như: mắm tép Gia Viễn, giò chả Kim Sơn, bún bánh Yên Ninh- Yên Khánh, dê núi Ninh Bình... do chính hội viên nông dân Ninh Bình chăn nuôi và sản xuất. Bên cạnh đó, cửa hàng còn liên kết với nhiều địa phương trong cả nước để giới thiệu những nông sản đặc trưng cho các vùng miền như Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ.
Cửa hàng Nông sản an toàn Sông Vân là cửa hàng đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Hội Nông dân tỉnh triển khai xây dựng nhằm thực hiện Đề án "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh. Theo đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Hội Nông dân tỉnh mong muốn đây sẽ là nơi để góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm an toàn của nông dân trong và ngoài tỉnh. Những sản phẩm có xuất xứ, đảm bảo an toàn được bày bán tại gian hàng có mức giá cao hơn, được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Từ đó, những hộ nông dân khác sẽ phấn đấu để sản xuất được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn.
Được biết, năm 2017, Hội đã tiến hành chọn lựa và xây dựng 8 mô hình điểm "Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn" tại các huyện, thành phố, đồng thời tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn thẩm định các sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Có thể kể đến như: Mô hình Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản Văn Phong (huyện Nho Quan) với diện tích 14.000m2 chuyên sản xuất măng tây và các loại rau theo quy trình sản xuất an toàn, có sổ nhật ký theo dõi. Hợp tác xã nông nghiệp Phúc Long, xã Yên Từ (huyện Yên Mô) diện tích gần 13.000m2 chuyên sản xuất các loại rau như cà chua, bí xanh, cải bẹ, cải bắp, su hào, súp lơ, cà rốt... Cả hai hợp tác xã đều được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & PTNT) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn.
Đối với các sản phẩm nông sản qua chế biến có mô hình sản xuất bún bánh an toàn của gia đình anh Đinh Đức Hoàn; mô hình sản xuất miến dong an toàn của anh Nguyễn Văn Trưởng ở thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) đều có cam kết không sử dụng các loại hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản, sản phẩm bún khô, bánh đa canh, miến dong được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh xác nhận sản phẩm phù hợp với quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình sản xuất mắm tép an toàn Thủy Tới ở thị trấn Me (huyện Gia Viễn); mô hình sản xuất giò chả an toàn Hải Thơm ở xã Lưu Phương (huyện Kim Sơn); mô hình sản xuất và chế biến tinh bột nghệ an toàn của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ tinh bột nghệ Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) chuyên trồng các loại nghệ đỏ, nghệ cà rốt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các sản phẩm của những cơ sở trên đều được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra còn có mô hình của hợp tác xã chăn nuôi dê Ninh Bình do ông Bùi Văn Thảo, xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) làm giám đốc với 2.000 con dê được các thành viên chăn nuôi theo hướng an toàn, chuyên cung cấp các sản phẩm thịt dê tươi sống, thịt dê cấp đông, sữa dê, cao dê được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
Cũng theo đồng chí Đinh Hồng Thái, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Việc xây dựng các mô hình "Nông dân nói không với thực phẩm bẩn" nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn. Ngoài 8 mô hình điểm sản xuất, chế biến nông sản đảm bảo an toàn cấp tỉnh, Hội còn chỉ đạo Hội nông dân các huyện, thành phố xây dựng ít nhất 1 mô hình "Nói không với thực phẩm bẩn" cấp huyện và mỗi cơ sở hội xây dựng 1 mô hình của Hội nông dân các xã, phường, thị trấn.
Từ sự nỗ lực của các cấp Hội nông dân trong "cuộc chiến" nói không với thực phẩm bẩn, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều mô hình tương tự được nhân rộng trên địa bàn tỉnh để người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và người nông dân tăng thêm nguồn thu từ hướng sản xuất nông sản an toàn.
Thùy Phương