Đặc biệt, ngày 23-7 Tổng Cục Thú y đã công bố dịch lợn tai xanh xuất hiện ở tỉnh Hà Nam và dịch lở mồm, long móng xuất hiện ở Thanh Hóa, đây là 2 tỉnh tiếp giáp với địa bàn Ninh Bình. Trước diễn biến trên, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh về những biện pháp của tỉnh nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dịch lợn tai xanh diễn biến như thế nào?
Đồng chí Hà Quốc Thịnh (Đ/c H.Q.T): Sáu tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Tháng 2 và tháng 3 xuất hiện dịch cúm gia cầm tại 3 huyện: Nho Quan, Yên Khánh, Hoa Lư. Đến tháng 4, tháng 5 xuất hiện dịch lợn tai xanh tại các huyện: Yên Mô, Hoa Lư và TP Ninh Bình. Nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đến nay dịch bệnh đã được khống chế. Tuy nhiên, hiện cả nước có 14 tỉnh xuất hiện dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày, 3 tỉnh có dịch cúm gia cầm và 3 tỉnh có dịch lở mồm, long móng.
P.V: Thanh Hóa và Hà Nam - 2 tỉnh tiếp giáp với Ninh Bình ta đã xuất hiện dịch tai xanh và dịch lở mồm, long móng. Xin ông cho biết tỉnh và Chi cục đã có những biện pháp gì để khống chế không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh?
Đ/c H.Q.T: Trước diễn biến phức tạp trên, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT đã có chỉ đạo cụ thể nhằm tăng cường hoạt động giám sát dịch bệnh. Yêu cầu hệ thống mạng lưới thú y cơ sở tích cực phối hợp với trưởng các thôn, xóm giám sát đến từng hộ chăn nuôi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xuất hiện. Mới đây, Chi cục đã lấy 500 mẫu ổ nhớt để đưa lên Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm định kỳ. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đặc biệt chú trọng đến các đơn vị đã từng có dịch. Đến nay, đã cấp tổng số 2.000 kg Cloramin T, 125 kg Cloramin B, 13.000 lít Benkoxid, 1.550 lít Formool, 1.050 lít Vinadin, 1.200 lít Huniodin cho các đơn vị từ nguồn hỗ trợ quốc gia và tỉnh cung cấp.
Việc kiểm dịch vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm cũng là một trong những biện pháp trọng tâm bởi mầm bệnh phát tán nhanh chủ yếu là do việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm có bệnh. Ngành yêu cầu các cơ sở vận chuyển, giết mổ phải tuân thủ đúng theo quy trình, thủ tục quy định. Chủ hàng khi mua, bán lợn ở vùng nào phải báo cáo cho thú y xã biết để kiểm tra tình hình dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, xin xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn, nơi quản lý chủ hộ hoặc chủ trang trại chăn nuôi, trạm thú y huyện kiểm tra xác nhận về công tác tiêm phòng và an toàn dịch bệnh (kể cả lợn sữa).
Theo kinh nghiệm, hầu hết các ổ dịch mới phát sinh đều rơi vào những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không chú trọng đến công tác vệ sinh phòng dịch, gia súc, gia cầm không được tiêm phòng vắc xin định kỳ. Nhằm hạn chế nguyên nhân này, Chi cục đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chăn nuôi theo biện pháp an toàn sinh học khép kín từ khâu chọn giống đến chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại. Nên mua con giống ở những cơ sở tin cậy, khi bắt con giống về phải thực hiện nuôi cách ly theo dõi từ 30-40 ngày, khi không có biểu hiện mắc bệnh thì mới cho nhập đàn. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để tăng cường sức đề kháng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng, tiêu độc định kỳ. Tiêm phòng vắc xin theo quy định về thời gian và lứa tuổi. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức cho nhân dân nắm vững phương pháp chăn nuôi an toàn, những dấu hiệu sớm của bệnh để bà con có thể phát hiện và xử lý kịp thời. Qua đánh giá chung thì nhận thức của bà con đã có những chuyển biến rõ rệt sau đợt dịch bệnh vừa qua.
Chi cục đang đề nghị với UBND tỉnh cho thành lập 2 chốt kiểm dịch tại Dốc Xây (TX Tam Điệp) và Cầu Khuốt (Gia Viễn) để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn tỉnh.
Cho tới thời điểm này, công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và thực hiện tốt.
P.V: Theo đồng chí, thời điểm này người chăn nuôi nên chú ý điều gì?
Đ/c H.Q.T: Tỉnh ta đã từng gánh chịu những đợt dịch bệnh nghiêm trọng, bà con đã biết mức độ thiệt hại của nó như thế nào. Do đó, chúng tôi khuyến cáo bà con nên áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo chất lượng con giống, tăng cường dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng của vật nuôi, tiêm phòng đầy đủ. Một điều bà con phải đặc biệt lưu ý nữa là nên sử dụng thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo không lây bệnh từ nơi khác về gia đình. Đồng thời khi gia súc, gia cầm có biểu hiện của dịch bệnh phải báo cáo với cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên - Nguyễn Lựu
(Thực hiện)