Ngay từ những tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực chủ động tìm kiếm khách hàng có tình hình tài chính tốt, tăng cường tuyên truyền về các chương trình, các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng, mở rộng cho vay.
Đồng thời tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung dòng vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như: cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án phương án có hiệu quả.
Theo thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước tỉnh, 10 tháng năm 2018, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng ước đạt 72.325 tỷ đồng, tăng trên 7% so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng CSXH, Quỹ tín dụng nhân dân đạt 67.429 tỷ đồng, tăng 7,1%.
Nguồn vốn tập trung cho vay các chương trình tín dụng: cho vay nông nghiệp, nông thôn có dư nợ ước đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm; cho vay xây dựng nông thôn mới có dư nợ ước đạt 15.580 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm; cho vay xuất khẩu dư nợ ước đạt 916 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dư nợ đạt 15.577 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng dư nợ; cho vay công nghiệp hỗ trợ dư nợ ước đạt 244 tỷ đồng, chiếm 0,4%/tổng dư nợ; cho vay một số dự án kinh tế lớn của tỉnh (Công ty xi măng Tam Điệp, Công ty cán thép Tam Điệp, Nhà máy xi măng Hướng Dương, Nhà máy xi măng Duyên Hà, Nhà máy xi măng The Vissai, Nhà máy Xi măng Hệ Dưỡng) dư nợ ước đạt 1.870 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ; cho vay phát triển du lịch dư nợ ước đạt 1.269 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm; cho vay các chương trình tín dụng chính sách dư nợ ước đạt 2.149 tỷ đồng, tăng 120 tỷ đồng so với đầu năm.
Cùng với các giải pháp tăng trưởng tín dụng, các chi nhánh ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã quản lý tốt chất lượng tín dụng. Đến hết tháng 10/2018, tổng nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn là 3.659 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng Phát triển) chiếm 1,1% tổng dư nợ.
Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm, tạo dòng vốn cho vay trung, dài hạn. Do đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm của toàn ngành đạt kết quả khả quan. Hai tháng cuối năm là chặng đường "nước rút", ngành Ngân hàng phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 từ 16-18%, Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục triển khai tốt các giải pháp điều hành, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và thực thi chính sách tiền tệ năm 2018.
Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018 theo Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 2/8/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng và các nhu cầu thanh toán.
Đồng thời thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Triển khai đầy đủ, kịp thời các gói tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng cấp trên, đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho phát triển kinh tế. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh..
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm hạn chế nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng trước, trong và sau khi cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay và hạn chế rủi ro tiềm ẩn.
Đối với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND các cấp bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Chủ động tham mưu các cấp, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch chuyển nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH trong năm 2019 theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 22/KH-UBND của UBND tỉnh, đảm bảo mức tối thiểu là 5 tỷ đồng đối với ngân sách UBND tỉnh, tối thiểu 500 triệu đồng đối với ngân sách các huyện, thành phố, riêng UBND thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Hoa Lư đảm bảo mức tối thiểu là 1 tỷ đồng.
Giáng Hương