Hiện toàn tỉnh có 35 bến khách ngang sông, với 51 đò chở khách trên sông, trong đó có 44 đò máy và 7 đò thô sơ chèo tay. Qua kiểm tra, khảo sát, hầu hết các bến khách đã trang bị đầy đủ điều kiện an toàn về bến, phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm đảm bảo tốt an toàn giao thông đường thủy trước mùa mưa bão, như: các bến đều đã được đổ bê tông xi măng, một số bến được gia cố bằng đá cấp phối đảm bảo cho khách lên xuống an toàn, thuận lợi; các phương tiện đò cũng được trang bị đầy đủ điều kiện an toàn: thân đò chắc chắn, có đủ đăng ký, đăng kiểm theo quy định; người điều khiển phương tiện tại các bến đều được trang bị đầy đủ bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Tuy nhiên, việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy của một số bến đò và đặc biệt là người dân tham gia giao thông tại các bến thủy nội địa chưa nghiêm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn là rất lớn, đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần, như: tình trạng một số bến khách ngang sông vi phạm chở ô tô; một số đò có giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật đã hết hạn; một số đò lại không trang bị áo phao theo quy định hoặc trên đò có áo phao hoặc dụng cụ nổi cầm tay nhưng người đi đò lại có tư tưởng chủ quan không sử dụng... Khi được hỏi tại sao đi đò mà không thực hiện quy định mặc áo phao, anh Nguyễn Thành Trung - hành khách trên đò bến Ngọc Nhị (Nho Quan) cho biết: Hàng ngày, tôi phải đi qua mấy lần đoạn sông này, thời tiết lại nắng nóng, nếu cứ mặc và cởi áo phao như vậy sẽ rất mất thời gian. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản 461 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy với số tiền trên 57 triệu đồng với các lỗi vi phạm: Người điều khiển không mang theo giấy tờ phương tiện; không có tín hiệu phương tiện; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của phương tiện hết hạn và phương tiện đã hết hạn kiểm định... Nhờ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở của đơn vị chức năng, đến nay việc khắc phục những tồn tại đã cơ bản được các bến chấp hành và nghiêm túc thực hiện. Trưởng bến đò Kênh Gà - Vân Trình (Gia Viễn) cho biết: Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, bến đã tiến hành kiểm tra toàn bộ tình trạng kỹ thuật của các phương tiện và thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa; tu sửa đường 2 đầu bến, đảm bảo cho người và phương tiện đi lại an toàn. Đồng thời kiểm tra, bổ sung các thiết bị phòng hộ, phao cứu sinh trên các đò.
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, từ tháng 3 năm 2014, Ban ATGT tỉnh đã triển khai thực hiện cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước", xây dựng các mô hình "văn hóa giao thông đường thủy", đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động "Vì an toàn trẻ em trên sông nước"...; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò và phương tiện thủy nội địa chưa đáp ứng quy định về an toàn, thoát hiểm; kết hợp tổ chức điều tiết, khống chế bảo đảm giao thông với chống va trôi tại các vị trí cầu trọng điểm vào mùa mưa bão; nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đội ngũ lái tàu, lái thuyền, thuyền viên, nâng cao chất lượng đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với phương tiện thủy nội địa; phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương giải tỏa các điểm khai thác cát trái phép, đăng đáy khai thác thủy sản...
Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành cũng đã kiến nghị các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan trong thời gian tới tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường thủy nội địa đến mọi tầng lớp nhân dân. Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Thanh tra giao thông vận tải, Phòng công thương các huyện và đặc biệt là công an xã cần tiến hành kiểm tra thường xuyên công tác đảm bảo trật tự ATGT tại các bến đò, kiên quyết lập biên bản, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Kiều Ân