Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã thành công tốt đẹp với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Đặc biệt, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Đóng góp vào thành công chung đó có sự tham gia tích cực của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình.
Tại các phiên thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo các báo cáo: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Các ĐBQH tỉnh đã tích cực đóng góp vào công tác xây dựng luật, đã tham gia thảo luận vào nhiều dự án luật như: Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật Kiến trúc; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công...
Tham gia kỳ họp, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, của đất nước, các ĐBQH tỉnh đã xem xét, chuyển tải các kiến nghị của cử tri đến các bộ, ngành có liên quan, đồng thời đề xuất tại nghị trường nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc. Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao, trước những vấn đề mà Đoàn tiếp thu từ các cuộc tiếp xúc cử tri, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia thảo luận tại hội trường, tham gia tranh luận, chất vấn các Bộ trưởng.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã tranh luận với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về thủ tục hành chính trong thực thi chính sách người có công. Đại biểu cho rằng, đã đến lúc cần phải thực hiện đổi mới, liên thông giữa các cấp, các ngành chức năng nhằm tạo ra quy trình thông suốt, hoạt động hiệu quả. Dẫn chứng về một trường hợp cụ thể ở Ninh Bình, khi đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng vì có một con là liệt sĩ, song chưa được cấp Bằng Tổ quốc ghi công nên trường hợp này chưa được xác nhận.
Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng về nguyên tắc "liệt sĩ là được cấp bằng Tổ quốc ghi công" nhưng khi làm thủ tục truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lại đòi hỏi "phải có Bằng Tổ quốc ghi công mới được công nhận là liệt sĩ". "Tôi cho rằng, việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công, lưu trữ hồ sơ khen thuộc về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước. Cũng chính vì việc áp dụng quy định một cách máy móc mà hiện nay nhiều trường hợp, nhiều gia đình vẫn chưa được hưởng chính sách người có công. Do đó, tôi đề nghị, các bộ, ngành có liên quan tăng cường phối hợp để thực hiện tốt hơn chính sách người có công"- đại biểu Bùi Văn Phương nói. Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Bùi Văn Phương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ đã nắm bắt và tiếp nhận đề nghị của trường hợp cụ thể mà đại biểu nêu. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ cùng Bộ Nội vụ và UBND tỉnh để xem xét giải quyết sớm nhất trường hợp cụ thể này, đảm bảo đúng quy định.
Đánh giá về tinh thần làm việc của các vị ĐBQH tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp, nhiều cử tri trong tỉnh tiếp tục bày tỏ tin tưởng vào tinh thần làm việc trách nhiệm, khoa học của các đại biểu. Ông Đinh Văn Hà, cử tri phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Theo dõi kỳ họp, tôi đánh giá rất cao tinh thần làm việc của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh khi đưa ra những vấn đề thực tế tại Ninh Bình để tham gia tranh luận với các thành viên Chính phủ. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần lắng nghe, chuyển tải kiến nghị của cử tri mà còn thể hiện bản lĩnh, sự tâm huyết của đại biểu để đi đến cùng vấn đề. Tôi tin chắc rằng, từ sự tranh luận của các đại biểu Quốc hội, không chỉ 1 trường hợp cụ thể mà sẽ có rất nhiều "điểm nghẽn" khác trong thực thi chính sách người có công sẽ được tháo gỡ, giải quyết...
Những đóng góp quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp thứ sáu đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn, của từng đại biểu Quốc hội tỉnh trong hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, xứng đáng với niềm tin của cử tri, nhân dân.
Mai Lan