Là một trong những đơn vị có số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cao nhất trong các địa phương của tỉnh, tính đến hết tháng 10/2018, trên địa bàn thành phố Ninh Bình hiện có 700 doanh nghiệp thì đa phần đều nợ BHXH, BHYT, BHTN, với số tiền nợ đọng gần 43 tỷ đồng, trong đó có 44 đơn vị nợ kéo dài từ 1 năm đến 8 năm và nhiều doanh nghiệp khó đòi được nợ. Việc các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động.
Chị Trần Thị Thái, công nhân Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Khánh An cho biết: Năm 2010, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng, chị được tuyển vào làm việc tại Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Khánh An. Ngay khi vào làm việc, chị Thái đã được Công ty đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN, nhưng sau đó, cả 2 lần được nghỉ theo chế độ thai sản vào các năm 2012 và năm 2015, chị Thái đều chưa nhận được những khoản được hưởng của người lao động khi nghỉ chế độ nghỉ thai sản, lý do là doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với cơ quan BHXH. Do vậy, cuộc sống của chị Thái gặp không ít khó khăn.
Theo ông Phạm Quang Chung, Giám đốc BHXH thành phố Ninh Bình, nguyên nhân chính của tình trạng nợ đọng ngày càng cao và tỷ lệ tham gia BHXH cho người lao động còn thấp là do kết quả sản xuất, kinh doanh còn có mức độ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên thực sự gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là tính tuân thủ pháp luật BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao, nhất là những hộ kinh doanh cá thể còn xem nhẹ, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền lợi cho người lao động, còn lạm dụng nguồn tài chính từ tiền lương, tiền công của người lao động mà lẽ ra phải dùng để tham gia bảo hiểm cho họ. Cùng với đó, chế tài xử lý vi phạm còn có những hạn chế, bất cập, chưa đủ mạnh để răn đe các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm. Vẫn còn một bộ phận người lao động chưa nhận thức đúng về BHXH nên không muốn tham gia, muốn nhận tiền đóng vào lương để tăng thu nhập hàng tháng, từ đó thỏa thuận, đồng ý với chủ sử dụng lao động không đóng BHXH, BHTN hoặc đóng với mức thấp so với hợp đồng lao động đã ký…
Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, tính đến ngày 30/10/2018, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh là 151 tỷ đồng, bằng 7,78% tổng số phải thu. Trong đó có 750 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ là 83 tỷ đồng, nợ nhiều nhất vẫn là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 109 đơn vị mất tích, giải thể, phá sản, chủ đơn vị bỏ trốn với tổng số nợ là 14,8 tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng này đã tồn tại nhiều năm nay và ngày càng trở nên phổ biến, có chiều hướng gia tăng. Địa bàn có tỷ lệ nợ cao là thành phố Ninh Bình chiếm 11,44%; thành phố Tam Điệp chiếm 11,38%; huyện Gia Viễn chiếm 9,14%...
Để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH trên cả nước, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị có số nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN lớn; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đối với các đơn vị cố tình chây ỳ, BHXH tỉnh, thành phố cần chuyển hồ sơ lên BHXH Việt Nam để cơ quan điều tra vào cuộc xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, thời gian qua, BHXH tỉnh Ninh Bình cũng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Qua các đợt thanh tra chuyên ngành và đột xuất về công tác BHXH, BHYT, BHTN, cho thấy, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ vốn, chưa có nguồn trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động.... Bà Nguyền Thị Hồng Nhung, Phó trưởng Phòng Khai thác và thu nợ - BHXH tỉnh cho biết: Hiện nay, tình trạng một số doanh nghiệp, thậm chí cả các cơ quan Nhà nước chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động tương đối phổ biến và có xu hướng gia tăng. Việc nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN sẽ gây tác động tiêu cực lớn về mặt xã hội, gây bất ổn đối với tình hình an ninh, chính trị. Hậu quả tiêu cực do đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động là quá rõ ràng. Bởi sẽ có nhiều lao động không có lương hưu khi hết tuổi, không được hưởng chế độ BHYT hoặc chế độ thai sản khi sinh con. Đặc biệt, người lao động do doanh nghiệp nợ BHXH nên không được chốt sổ BHXH khi chuyển sang đơn vị khác. Ngoài ra, việc chậm đóng, nợ BHXH làm người lao động có nguy cơ mất hết số tiền đã đóng trước đó do doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể không tìm ra địa chỉ liên lạc…
Ông Trần Văn Tuyến, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù. Theo đó, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với trường hợp trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm... Hành vi không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động cũng sẽ bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo số tiền, số người lao động bị trốn đóng bảo hiểm. Đặc biệt, pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) nếu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thì có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý theo luật định. Nguyên nhân là do, đến nay, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Khắc phục tình trạng này, với chức năng, nhiệm vụ của mình, BHXH tỉnh vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thanh, kiểm tra, xử lý kiên quyết đối với những trường hợp cố tình nợ đọng, chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Đồng thời, ngành BHXH cũng mong nhận được sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, để doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động nghiêm túc chấp hành các quy định do Nhà nước đề ra, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Mỹ Hạnh