Thực trạng thiếu nước
Chị Nguyễn Thị Năng, thôn Vũ Xá, xã Ninh Vân cho biết: Gần hai năm nay, nước sạch không tới được nhà chị. Không có nước, gia đình phải tìm kiếm, tận dụng mọi nguồn nước khác nhau để sử dụng: 8m3 bể xi măng chứa nước mưa hứng từ mái nhà dùng làm nguồn nước ăn, nước giếng xin ở nhà hàng xóm thì chuyên dùng cho tắm giặt.
Riêng cái ao nhỏ, vài năm trước gia đình đã định lấp đi nhưng trước tình trạng thiếu nước chị đành phải để lại và giờ đã trở thành nơi giặt giũ chung của cả xóm. "Biết là các nguồn nước này đều không đảm bảo vệ sinh nhưng người dân chúng tôi chẳng biết làm thế nào.
Cũng đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền các cấp rồi nhưng tình trạng thiếu nước vẫn chưa được giải quyết", chị Năng nói. Ông Lã Vi An cũng ở thôn Vũ Xá chia sẻ thêm: Vì không có nước sạch, giờ đây nhà tôi phải xây dựng 2 bể xi măng đựng nước mưa, 3 téc nước chứa nước giếng, vậy mà nhiều khi vẫn không đủ dùng. Buồn nhất là các thiết bị vệ sinh, máy giặt, bình nóng lạnh giờ đây không còn sử dụng được nữa vì nguồn nước giếng khoan không đảm bảo đã làm chúng bị hư hỏng hết. Cuộc sống của bà con giờ chẳng khác nào thập niên 90.
Rời thôn Vũ Xá, chúng tôi đến thôn Trấn Lữ, một trong những thôn đã "khát" nước sạch trong suốt nhiều năm qua của Ninh Vân. Ông Nguyễn Nhật Tân, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Cả thôn có 232 hộ thì có tới 180 hộ nước sạch không tới được.
Không có nước sạch để sinh hoạt, người dân đã phải mua nước từ thành phố Tam Điệp ra với mức giá từ 70-80 nghìn đồng/m3. Nếu một gia đình bốn khẩu dùng tiết kiệm thì một tháng phải chi tới 500-800 nghìn đồng để mua nước. Nhiều hộ vì xót tiền đã tự khoan giếng, khơi lại giếng cũ để lấy nước sinh hoạt, cho dù kết quả xét nghiệm nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh.
Trao đổi với chính quyền xã Ninh Vân, được biết: Ngay từ năm 2004, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt xã Ninh Vân với tổng kinh phí hơn 3,8 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn (giai đoạn 1: từ năm 2004-2005 và giai đoạn 2: từ năm 2011 đến năm 2012).
Trong đó, vốn do tổ chức phi chính phủ Pháp (EAST) hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, vốn ngân sách 500 triệu đồng, vốn của địa phương 757 triệu còn lại là nhân dân đóng góp. Hệ thống bao gồm: Công trình thu và trạm bơm cấp 1, bể lọc nhanh công suất 40 m3/h, bể chứa nước sạch, nhà trạm bơm cấp 2, bể nước đặt trên núi cao cạnh chùa Xuân Vũ dung tích 45 m3, nhà hóa chất, hệ thống đường ống. Công trình có năng lực phục vụ nước sinh hoạt cho 10.000 người, tiêu chuẩn 80 lít/người/ngày và các công sở công cộng, cơ sở dịch vụ khác của xã Ninh Vân.
Tuy nhiên, đến nay, sau 15 năm hoạt động, quy mô dân số, kinh tế của địa phương đã có nhiều thay đổi. Hiện, toàn xã có gần 3.500 hộ dân với gần 12.000 nhân khẩu, ngoài ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cũng diễn ra rất sôi động với hàng nghìn hộ làm nghề đá mỹ nghệ, sử dụng rất nhiều thiết bị máy móc dùng đến nước.
Vì vậy, mấy năm gần đây, trạm cấp nước sinh hoạt của xã không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân, hầu hết các hộ dân ở xa trạm cấp nước đều không có nước để sử dụng, tập trung chủ yếu ở các thôn: Vạn Lê, Thượng, Hệ, Phú Lăng, Tân Dưỡng 1, Tân Dưỡng 2, Vũ Xá.
Cần sớm lựa chọn nhà thầu
Đồng chí Đỗ Khắc Khoát, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Trước những bức xúc của nhân dân, xã đã thành lập 1 đoàn giám sát về việc cấp nước sinh hoạt trên địa bàn. Bước đầu xác định nguyên nhân của việc thiếu nước là do năng lực bơm của nhà máy yếu, bơm không đủ giờ như lịch đã thông báo. Nhiều khả năng hệ thống đường ống dẫn nhỏ, qua thời gian bị chít hẹp.
Tình trạng thiếu nước sử dụng ở một số gia đình còn do bể, bồn chứa dung tích thấp, do vậy chỉ đủ dùng trong các ngày bơm nước, khi không bơm thì lại hết nước dùng. Để khắc phục, địa phương đã chỉ đạo bộ máy vận hành nhà máy nước tiến hành cấp nước tập trung theo từng khu vực, mỗi ngày một vài thôn để tăng áp lực nước, tuy nhiên vẫn không phát huy được hiệu quả.
Ngoài ra, Đảng ủy, UBND xã cũng có báo cáo và được UBND tỉnh, huyện nhất trí cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Phú Vinh (xã Ninh Hải) cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 300 hộ dân ở khu vực giai đoạn 1 làng nghề, thôn Dưỡng Thượng, Dưỡng Hạ. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ như muối bỏ bể.
Về chủ trương xây dựng, cải tạo và nâng cấp công trình Trạm cấp nước của xã. Được biết, từ năm 2017 đến nay, đã có 3 công ty về làm việc với xã, xin được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo lại hệ thống nước sạch của địa phương với các phương án và mức kinh phí huy động nhân dân đóng góp khác nhau, từ 2,5-3,5 triệu đồng/hộ. Các phương án này đã được xã chuyển xuống các chi bộ, các thôn để xin ý kiến người dân.
Tháng 8 năm 2019, sau khi có quyết định của UBND tỉnh về việc thu hồi công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn (thực hiện theo quy định tại Thông tư 54 của Bộ Tài chính về việc quản lý sử dụng và khai thác công trình nước sạch nông thôn tập trung), xã đã bàn giao công trình cho Sở Tài chính.
Mong mỏi lớn nhất hiện nay của người dân xã Ninh Vân là tỉnh sớm có phương án cụ thể, lựa chọn nhà thầu để xây dựng, nâng cấp công trình Trạm cấp nước của xã, giải quyết những bức xúc về nước sạch cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng không nên tu sửa, nâng cấp công trình cấp nước cũ nữa vì đã quá xuống cấp.
Bài, ảnh: Hà Phương