Đồng chí Trần Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thực hiện chỉ đạo của huyện, Ninh Mỹ đã thực hiện dồn điền, đổi thửa và hoàn thành trong năm 2014. Nhận thức tầm quan trọng của công tác dồn điền, đổi thửa không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà còn là điều kiện cần để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức sản xuất hàng hóa, là cơ sở để phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nên ngay sau khi có chủ trương của huyện, Đảng bộ xã đã họp và ra Nghị quyết chuyên đề về chỉnh trang đồng ruộng gắn với dồn điền, đổi thửa, thành lập ban chỉ đạo cấp xã và các tiểu ban gồm các thành viên MTTQ, các ngành, đoàn thể tham gia công tác dồn điền, đổi thửa. Xác định đây là công việc khá nhạy cảm, liên quan đến lĩnh vực đất đai, tư liệu sản xuất của nhân dân nên xã cẩn trọng thực hiện từng bước theo quy trình.
Trước khi tiến hành, xã đã tổ chức kiểm kê quỹ đất, rà soát đối chiếu giữa hồ sơ và thực địa, từ đó đưa ra định hướng cho công tác này. Bắt tay vào thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo khối dân vận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về nội dung, mục đích của công tác dồn điền, đổi thửa.
Đồng thời, tổ chức các cuộc họp ở 9/9 thôn, xóm để người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến vào tất cả các bước của quy trình dồn điền, đổi thửa, theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tạo sự minh bạch trong quá trình thực hiện. Xã chú trọng vận động các gia đình cán bộ, đảng viên, hội viên CCB làm trước tạo hiệu ứng lan tỏa sang các hộ dân khác.
Bên cạnh đó, với nền tảng và kinh nghiệm đã thực hiện dồn điền, đổi thửa năm 2003, nên việc dồn điền, đổi thửa trong thời điểm này xã không còn lúng túng, nhanh chóng chọn được phương án thực hiện dồn điền, đổi thửa thích hợp, đó là chuyển đổi ruộng theo từng cánh đồng trên cơ sở có sự đồng ý, thỏa thuận của nhân dân, không phải áp dụng quy đổi theo hệ số K, tránh được tình trạng so bì ruộng xấu, ruộng tốt, vì vậy tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Sau khi có sự đồng thuận của các hộ dân, lãnh đạo xã căn cứ kế hoạch chuyển đổi, tiến hành đo đạc, đánh giá phân loại các hạng đất, sắp xếp trên sơ đồ và tiến hành giao đất cho các hộ dân.
Đối với một số vùng đất xấu ở xa, xã đưa vào quy hoạch thành khu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển mô hình lúa-cá. Nhờ vậy, từ 5.440 thửa còn 2.783 thửa, bình quân số thửa trên hộ đạt 1,9 thửa. Song song với đó, xã tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, thực hiện kiên cố hóa 100% kênh mương và đường giao thông nội đồng.
Việc dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch, chỉnh trang, sắp xếp lại đồng ruộng đã tạo điều kiện cho nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng tiến độ khoa học kỹ thuật mới, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác. Nhiều nông dân tỏ rõ vui mừng, phấn khởi bởi đường to, ruộng lớn, máy móc vào tận ruộng làm đất, thu hoạch đỡ công nhọc nhằn, vất vả.
Bà Phạm Thị Huê ở xóm Nam Chiêm phấn khởi cho biết: Gia đình tôi trước đây có 4 thửa ruộng ở 4 cánh đồng khác nhau, nên việc đi lại chăm sóc, thu hoạch cây trồng rất bất tiện. Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, gia đình tôi chỉ còn 2 thửa, vì vậy chăm sóc rất thuận lợi, vụ đông xuân vừa qua, gia đình còn đưa máy gặt vào sản xuất, tiết kiệm chi phí và nhân công rất nhiều.
Kiều Ân