Với vai trò là đoàn thể thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng thông qua việc hướng dẫn KHKT, tạo vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ. Hàng năm, 70% số chi hội ở 100% xã, phường, thị trấn tổ chức chuyển giao KHKT, tích cực góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Để giúp phụ nữ phát triển kinh tế, Hội phụ nữ các cấp đứng ra tín chấp giúp cho gần 56.000 lượt hộ vay 425,5 tỷ đồng, trong đó có 21.000 hộ nghèo, 3.905 hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Hội phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh việc dạy nghề truyền thống như: thêu ren, chế biến cói, đan mây, bèo bồng...
Trong hơn 2 năm qua, Hội đã tổ chức được 546 lớp dạy nghề cho 20.851 lượt phụ nữ, hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho gần 20.340 phụ nữ. Đối với hộ nghèo, hàng năm các cấp Hội phụ nữ tổ chức khảo sát, thống kê, phân loại, xác định nguyên nhân, phân công người giúp đỡ. Do đó, 100% hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ được các chi hội nhận giúp đỡ, được hỗ trợ vốn, kiến thức, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Hơn 2 năm qua, các cấp Hội đã giúp hơn 2.000 hộ nghèo thoát nghèo.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là một hoạt động mới được các cấp Hội phụ nữ quan tâm triển khai có hiệu quả. Hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 420 nữ chủ doanh nghiệp, chủ tổ hợp về kiến thức khởi sự và quản lý doanh nghiệp, hướng dẫn thành lập các CLB nữ doanh nhân. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 5 CLB nữ doanh nhân với 327 thành viên tham gia, tạo môi trường thuận lợi cho nữ chủ doanh nghiệp trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và liên kết trao đổi sản phẩm. Qua đó góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nữ phát triển, tạo thêm việc làm cho lao động nữ.
Nhận thức đúng về sự cần thiết của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động ở vùng nông thôn, khu vực thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch những năm qua các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ trong phát triển kinh tế, tìm việc làm, dạy nghề để ổn định cuộc sống. Sở Lao động, thương binh và xã hội đã hướng dẫn và thẩm định các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, thành lập mới 2 trường dạy nghề tư thục và thành lập 18 trung tâm dạy nghề, thẩm định và cấp phép hoạt động cho 30 cơ sở dạy nghề. Với việc hình thành các trường, trung tâm và cơ sở dạy nghề ở 8/8 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.
Đồng thời, hàng năm Sở Lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với Liên đoàn Lao động Ninh Bình tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện một số quy định của Bộ luật Lao động, trong đó có các quy định đối lao động nữ với các chế độ, chính sách, quyền lợi của lao động nữ khi ốm đau, thai sản... Phối hợp với các ngành hữu quan kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nói chung, lao động nữ nói riêng. Phần lớn các doanh nghiệp Nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác ở những nơi đã thành lập tổ chức công đoàn thực hiện tương đối tốt các chế độ, chính sách về: Tuyển dụng lao động, đào tạo, nâng bậc lương, bảo hiểm y tế, BHXH, an toàn lao động và các chế độ phúc lợi, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ.
Hàng năm, Sở Lao động- thương binh và xã hội tiến hành khảo sát, lập kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó quan tâm đặc biệt đến đối tượng lao động nữ. Đặc biệt, thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu lao động, hơn 2 năm qua Sở Lao động- thương binh và xã hội đã 4.102 người đi xuất khẩu lao động, trong đó có 2.103 phụ nữ. Nhiều phụ nữ thuộc 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong tỉnh được tạo điều kiện, giúp đỡ về kinh phí, thủ tục đã tham gia xuất khẩu lao động để thoát nghèo...
Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong việc giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống đã góp phần tăng cường sự bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Bùi Diệu