Hiện tại, công tác phòng, chống dịch cúm A (H5N1) ở người vẫn được ngành Y tế chú trọng, triển khai. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
P.V: Xin đồng chí cho biết những diễn biến tiếp theo của dịch cúm A (H5N1) ở người kể từ khi phát hiện bệnh nhân mắc bệnh ở Ninh Bình?
Bác sĩ Vũ Văn Cẩn: Hiện, bệnh nhân Cù Văn Chiêu vẫn đang được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia. Trong 10 ngày qua, ngành Y tế đã phối hợp với Chi cục Thú y duy trì tốt công tác giám sát dịch, khoanh vùng, xử lý kịp thời các ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lan rộng. Toàn bộ số người có liên quan, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân đã được cấp thuốc uống phòng bệnh. Những cán bộ làm công tác dập dịch cũng được trang bị bảo hộ, được theo dõi sức khỏe. Đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nhiễm bệnh mới. Những người tiếp xúc với bệnh nhân trong thời gian ủ, phát bệnh qua xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
P.V: Có thể thấy, công tác bao vây, dập dịch đã được ngành Y tế triển khai rất tốt, còn công tác điều trị, ngành đã có chỉ đạo, thực hiện như thế nào?
Bác sĩ Vũ Văn Cẩn: Cùng với việc chỉ đạo bao vây dập dịch, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các bệnh viện từ tỉnh đến huyện kiểm tra, rà soát thuốc Tamiflu, hóa chất, dịch truyền, máy thở, chuẩn bị giường bệnh, khu cách ly… sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Tiêm phòng cho gia cầm ở xã Ninh Khang (Hoa Lư). Ảnh: Đức Lam.
P.V: Với tính chất nguy hiểm của bệnh cúm A (H5N1), công tác điều trị tại chỗ có đáp ứng được yêu cầu?
Bác sĩ Vũ Văn Cẩn: Hiện nay, các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên đều đã được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại; các y, bác sĩ cũng đã được tập huấn phác đồ điều trị, kỹ năng phát hiện, xử lý các ca bệnh. Đối với tuyến huyện hoàn toàn có khả năng chẩn đoán các ca bệnh nghi ngờ (qua xét nghiệm, chụp X-quang, khám lâm sàng). Các đơn vị bệnh viện tuyến tỉnh cũng có đủ điều kiện về máy móc, nhân lực để xử lý, điều trị những bệnh nhân nhẹ hoặc trung bình. Chỉ những trường hợp nặng, bệnh nhân bị suy đa phủ tạng mới phải chuyển tuyến Trung ương. Khi chuyển cần tuân thủ quy chế của Bộ Y tế về vận chuyển bệnh nhân truyền nhiễm.
P.V: Để ngăn chặn dịch cúm A (H5N1) ở người, xin đồng chí cho biết những việc cần phải tập trung làm tốt?
Bác sĩ Vũ Văn Cẩn: Hiện nay chúng ta chưa có vắc xin phòng bệnh cúm A (H5N1) ở người, do đó mỗi người, mỗi gia đình cần chủ động phòng ngừa bằng cách làm tốt công tác vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh; tuyệt đối không sử dụng thịt và các sản phẩm chế biến từ gia cầm bị bệnh; khi cần tiếp xúc với nguồn bệnh phải có phương tiện bảo hộ; nếu trong gia đình có người bị ho, sốt, khó thở phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, phát hiện, điều trị kịp thời.
Đối với ngành Y tế, chúng tôi vẫn tiếp tục phối hợp với ngành chức năng thường xuyên giám sát ổ dịch, phun hóa chất theo quy định, duy trì màng lưới báo dịch 24/24 giờ; chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, phấn đấu không để dịch bệnh lan rộng.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Đức Huy (Thực hiện)