Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/7/1947, tại Đại Từ, Thái Nguyên, các đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc, Chính trị cục Quân đội, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp, bàn bạc thống nhất đề nghị lấy ngày 27/7 hàng năm làm "Ngày Thương binh toàn quốc". Từ tháng 7/1955 được đổi thành "Ngày Thương binh - Liệt sỹ" để ghi nhận và tri ân sự hy sinh cống hiến to lớn của chiến sỹ và đồng bào cả nước đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm nay kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 4/5/2017 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm, để các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tổ chức các hoạt động tri ân "đền ơn, đáp nghĩa" đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Quê hương Ninh Bình giàu truyền thống cách mạng và yêu nước, đã có những đóng góp, hy sinh rất đáng tự hào trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: Trên 235 nghìn cán bộ, chiến sỹ, dân công tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường, trên 16.000 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ, trên 7.900 thương binh đã bỏ lại một phần xương máu nơi các chiến trường, trên 6.900 bệnh binh và trên 5.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mang bệnh tật trong người đến hết đời, 849 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, tra tấn...
Tỉnh Ninh Bình và nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã được tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", 1.216 bà mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", 14 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, trên 102 nghìn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương và trên 7.000 người được tặng bằng khen do có thành tích trong kháng chiến...
Công tác người có công giai đoạn 2012 - 2017 được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đạt đỉnh cao về chế độ, chính sách và các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, đã ban hành bổ sung nhiều chế độ, chính sách ưu đãi và mở rộng nhiều đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi. ở tỉnh ta, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc nhiệt tình và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận ủng hộ và tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, công tác người có công đã đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực người có công tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và đối tượng chính sách được chú trọng. Đã chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ nhiều năm trước về xác nhận đối tượng và giải quyết chính sách người có công. Do đó, đến nay tỉnh Ninh Bình không có hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Đồng thời đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung triển khai và giải quyết chính sách cho các đối tượng mới được bổ sung với số lượng rất lớn, toàn tỉnh đã có hàng trăm nghìn lượt người được thụ hưởng chế độ. Trong đó, 57.455 người có công và thân nhân của họ được hưởng chế độ theo Pháp lệnh ưu đãi người có công, trên 18.000 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước được hưởng chế độ theo Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trên 16.600 người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 được hưởng chế độ theo Quyết định số 62/QĐ-TTg; gần 700 cựu thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến được hưởng chế độ theo Quyết định số 40/QĐ-TTg; trên 6.000 người tham gia dân công hỏa tuyến trong các cuộc kháng chiến được hưởng chế độ theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg; trên 200 người được cử đi làm chuyên gia giúp các nước bạn Lào và Campuchia được hưởng chế độ theo Quyết định số 57/2013/QĐ-TTg.
Đề nghị và đã được Chủ tịch nước phong tặng 871 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (gồm phong tặng 96 mẹ và truy tặng 775 mẹ, nâng tổng số 1.216 bà mẹ của tỉnh đã được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng) và tặng Huân chương Độc lập cho 197 gia đình có nhiều con là liệt sỹ và có một con duy nhất là liệt sỹ. Công nhận và giải quyết chính sách cho 349 cán bộ hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 (cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa). Đề nghị, được Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công 45 liệt sỹ, cấp lại 7.244 Bằng Tổ quốc ghi công bị mất hoặc rách, hỏng.
Đồng thời với việc giải quyết chính sách cho các đối tượng mới phát sinh, tỉnh ta đã duy trì thực hiện tốt chính sách và lo đủ nguồn kinh phí, tổ chức chi trả đúng đủ, kịp thời các khoản trợ cấp, phụ cấp cho trên 25.000 lượt đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, trên 10.000 người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sỹ (1 lần/năm), trên 35.000 người hưởng ưu đãi bảo hiểm y tế do ngân sách Trung ương cấp và trên 50.000 người do ngân sách địa phương cấp, trên 52.500 lượt đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo với tổng kinh phí chi trả hàng năm từ 550 đến 590 tỷ đồng, đảm bảo an toàn.
Thực hiện điều chỉnh kịp thời, chính xác mức trợ cấp cho đối tượng theo quy định của Chính phủ cho từng giai đoạn. Thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm và luân phiên 2 năm một lần cho trên 11.000 người có công, trong đó mỗi năm tổ chức đưa hàng nghìn người có công đi điều dưỡng tập trung ở các trung tâm tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đồ Sơn (Hải Phòng) đảm bảo an toàn.
Thực hiện tốt công tác "Đền ơn, đáp nghĩa", chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công. Hàng năm, đã tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sỹ, đặc biệt là vào các năm chẵn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, có tính giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước; UBND tỉnh đã kịp thời phân công các cơ quan, đơn vị nhận phượng dưỡng đến hết đời 100% các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2012 đến hết quý I/2017, đã phát động và tổ chức tốt việc thăm hỏi, tặng quà động viên các đối tượng chính sách trong các dịp lễ, Tết, với trên 463.000 suất quà, trị giá 102 tỷ đồng. Vận động đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đạt gần 4 tỷ đồng. Xây mới và sửa chữa 494 nhà tình nghĩa trị giá 10.696 triệu đồng.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND tỉnh đã có Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 21/01/2014 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh với 2.247 hộ gia đình người có công được hỗ trợ, kinh phí hỗ trợ là 68,4 tỷ đồng (gồm xây mới 1.173 hộ, sửa chữa 1.074 hộ).
Đến nay tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ đợt I theo chỉ đạo của Trung ương. Vận động tặng 287 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 168 triệu đồng; vận động các bệnh viện Trung ương và địa phương nhiều lần tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người có công với số tiền hàng tỷ đồng...
Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 99% hộ gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú (đạt chỉ tiêu của toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020), đến năm 2013 đã có 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận là xã, phường thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công (chỉ tiêu của toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020 là 96%).
Thực hiện tốt công tác quản lý mộ, nghĩa trang liệt sỹ, các công trình tưởng niệm liệt sỹ. Trên địa bàn tỉnh có 45 nghĩa trang liệt sỹ (gồm 8 nghĩa trang cấp huyện và 37 nghĩa trang cấp xã) với 7.321 mộ liệt sỹ; đã xây dựng 1 Đền thờ liệt sỹ (cấp tỉnh), 12 Đài tưởng niệm liệt sỹ (1 đài cấp tỉnh, 1 đài cấp huyện, 10 đài cấp xã), 63 Nhà bia ghi tên liệt sỹ (đều của cấp xã). Tỉnh đã xây dựng Nhà bia ghi tên liệt sỹ là người quê hương Ninh Bình tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn và Khu Lăng bia tưởng niệm liệt sỹ tỉnh Ninh Bình tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị).
Các nghĩa trang, đài, bia tưởng niệm liệt sỹ hàng năm đều được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, dọn vệ sinh, đảm bảo cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp, thực sự là các công trình văn hóa, đáp ứng yêu cầu tâm linh thành kính nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ và có tính giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc. Vào dịp các ngày lễ, Tết và ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7 hàng năm đều tổ chức dâng hương tại các nghĩa trang liệt sỹ và đài, bia tưởng niệm liệt sỹ. Chỉ đạo Đoàn thanh niên đồng loạt tổ chức thắp nến tri ân ở tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh vào tối ngày 26/7 hàng năm.
Đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015 theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vị toàn tỉnh, đảm bảo tiến độ thời gian và chất lượng theo quy định. Qua rà soát ở 1.674 tổ rà soát khu dân cư (thôn, bản, tổ dân phố) thuộc 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, có 36.267 lượt người hưởng chế độ ưu đãi thuộc 7 đối tượng rà soát, thì chỉ có 25 người hưởng sai chế độ, bằng 0,06%.
Thông qua kết quả rà soát, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành kịp thời kiểm tra, giải quyết và xử lý dứt điểm đối với các trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi, các trường hợp đã được hưởng chế độ ưu đãi nhưng chưa đầy đủ và các trường hợp chưa được xác nhận là người có công.
Kết quả công tác người có công trên địa bàn tỉnh đạt được trong giai đoạn 2012 - 2017 là rất đáng tự hào, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của đối tượng chính sách và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đối với cấp ủy và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, công tác người có công trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm cần phải rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời.
Đó là, một số vụ việc còn giải quyết chậm, gây bức xúc cho đối tượng chính sách, còn có sai sót về nghiệp vụ, sai phạm về chế độ, chính sách, công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế, phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" chưa thường xuyên, rộng khắp, đời sống một số hộ gia đình chính sách, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, còn có hộ chính sách thuộc hộ nghèo. Do đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; quán triệt và kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót và xử lý nghiêm minh những sai phạm.
Hai là: Tổ chức chi trả các loại trợ cấp, phụ cấp và thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi khác đối với người có công đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.
Ba là: Huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào thực hiện phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần người có công. Đồng thời động viên, khích lệ, tạo điều kiện để người có công và gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Bốn là: Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với người có công; thực hiện tốt công tác giáo dục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ để xây dựng ý thức, trách nhiệm, tích cực hưởng ứng tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc đời sống người có công.
Năm là: Thường xuyên kiện toàn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác người có công ở các cấp, nhất là ở cơ sở.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, đề nghị các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hãy chung tay, góp sức bằng những việc làm cụ thể, thiết thực cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, chúng ta tin tưởng công tác người có công và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" chăm sóc đời sống người có công trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Đinh Văn Điến
(Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)