Ngay sau lễ phát động ra quân Tháng ATGT, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin truyền thông, phát tờ rơi, tuyên truyền lưu động về tận khu dân cư để phổ biến các nội dung của Tháng ATGT, Luật Giao thông theo Nghị định 46 và Nghị định 132 của Chính phủ về quy định sửa đổi, bổ sung, xử phạt vi phạm ATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Đối tượng tuyên truyền đã hướng mạnh vào tầng lớp học sinh, sinh viên.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong tháng 9, các lực lượng chức năng đã tổ chức 19 buổi kiểm tra tình hình công tác bảo đảm trật tự ATGT kết hợp với tuyên truyền lưu động về ATGT bằng xe ô tô gắn loa trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh; cấp phát tài liệu và hơn 5.000 tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho hơn 800 thầy, cô giáo và sinh viên Trường Đại học Hoa Lư; tổ chức 70 buổi tuyên truyền lưu động tại các tuyến đường chính, các tụ điểm phức tạp thường xuyên xảy ra TNGT; tặng 100 mũ bảo hiểm cho nhân dân...
Ngoài công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng còn phối hợp với các địa phương ra quân tháo dỡ các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang đường bộ, đường sắt, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm...
Đặc biệt, để đảm bảo TTATGT hiệu quả trong Tháng ATGT, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc tham gia đảm bảo TTATGT trên địa bàn.
Trong đó, Sở Giao thông-Vận tải đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức kiểm tra bảo đảm ATGT tại các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng cảnh sát tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến quốc lộ, tuyến sông trọng điểm, các đầu mối giao thông như: nhà ga, bến tàu, bến xe, bến thủy nội địa, các điểm dừng đón trả khách trên đường, trong đó chú trọng xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ gây TNGT như: chở quá tải trọng, quá số người quy định; phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật; người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, không có giấy phép lái xe...
Trong tháng 9, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh ban hành công văn số 46/PC67 về tái khởi động các hoạt động của Tổ công tác 191; tham gia dẫn và đảm bảo TTATGT cho 8 đoàn của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và đoàn khách Quốc tế về thăm, làm việc tại Ninh Bình; đảm bảo TTATGT cho 2 đoàn tàu chở hàng đặc biệt đi qua tỉnh Ninh Bình; kết hợp với Cảng vụ Ninh Bình hướng dẫn bảo vệ 15 đoàn phương tiện ra vào cảng, bốc xếp 19.900 tấn hàng hóa an toàn; huy động lực lượng, phương tiện và trang thiết bị nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông, tập trung chính các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và những địa bàn phức tạp về TTATGT.
Phối hợp với Công an thành phố Ninh Bình, Tam Điệp, Công an huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt là các khu du lịch: đền Đinh- Lê, Tràng An, chùa Bái Đính.
Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, đã phát hiện, lập biên bản 2.528 trường hợp vi phạm trên đường bộ, phạt tiền trên 2 tỷ đồng, tước 577 giấy phép lái xe, tạm giữ 438 xe; xử lý 602 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; lập biên bản 69 trường hợp vi phạm trên đường thủy, ra quyết định xử phạt gần 8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Công an các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua đã bố trí lực lượng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT đường sắt của người và phương tiện tham gia giao thông tại đường ngang, cầu đường bộ đi chung với đường sắt, trên tàu, dưới ga và hành lang an toàn giao thông đường sắt....
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, tháng 9 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 2 người chết và 9 người bị thương; giảm 3 vụ, 1 người chết so với tháng 8-2016; không có TNGT đặc biệt nghiêm trọng, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn; đường sắt và đường thủy nội địa không xảy ra vụ tai nạn nào...
Tuy nhiên, qua thực hiện Tháng ATGT cũng còn một số vấn đề cần quan tâm giải quyết như: Số vụ vi phạm trật tự ATGT ở cả ô tô và xe máy còn cao, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một số đối tượng còn hạn chế...
Vì vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát vi phạm, đồng thời tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông, nâng cao nhận thức cho mọi người khi tham gia giao thông.
Thiết nghĩ, Tháng ATGT mới chỉ là bước khởi đầu để xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông, cũng như cung cách hành xử của các lực lượng chức năng. Công việc này cần phải làm liên tục, lâu dài để tạo ra tác phong chuẩn mực cho đội ngũ thực thi nhiệm vụ và thói quen, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của các tầng lớp nhân dân.
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam